Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức sáng 18/12, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã nhấn mạnh những thành tựu, kết quả tích cực của lĩnh vực VHTTDL Thủ đô đã đạt được trong năm qua.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết XV của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô cũng như trong các kết luận của Trung ương và Tổng Bí thư đều nhấn mạnh nội dung con người là trung tâm của sự phát triển. Văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, động lực vừa là nguồn lực.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà tham luận tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà tham luận tại Hội nghị.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ và cụ thể hóa các quan điểm này. Thành phố đã ban hành Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, xây dựng Chương trình 06 trong đó tập trung về phát triển văn hóa, nâng cao nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Thành phố cũng xây dựng nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân về đầu tư, tu bổ, tôn tạo 3 lĩnh vực trong đó tập trung đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa trên địa bàn.

Với các giải pháp triển khai, thành phố Hà Nội tập trung những nội dung cơ bản. Một là, xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hóa điển hình như một số sản phẩm văn hóa đã triển khai rất hiệu quả: Đêm thiêng liêng tại Nhà tù Hỏa Lò, Giải mã Hoàng Thành Thăng Long, Tinh hoa đạo học tại Văn Miếu Quốc Tử Giám gắn với phát triển kinh tế đêm đã thu hút du khách.

Thứ hai, Thành phố đã triển khai hiệu quả các hoạt động của thành phố sáng tạo. Hà Nội đã chủ động phối hợp với UNESCO để triển khai với ba trụ cột chính: Thiết kế, cộng đồng và sáng tạo. Hà Nội tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo hàng năm và mỗi năm quy mô đều mở rộng và thu hút đông đảo du khách tham gia hơn, đặc biệt thu hút được nhiều chuyên gia, nhà sáng tạo trẻ cũng như xây dựng được các sản phẩm thiết kế sáng tạo.

Hà Nội cũng đã thành lập Trung tâm điều phối các không gian sáng tạo của thành phố. Hiện nay đã hình thành và điều hành hơn 60 không gian sáng tạo cũng như huy động đội ngũ cộng tác viên để triển khai có hiệu quả.

Thứ ba, Thành phố đã nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Năm 2024, Hà Nội tổ chức hơn 3000 sự kiện và thu hút được đông đảo các chuyên gia, nhà sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ và du khách tham gia.

Đặc biệt, năm nay, Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức một số sự kiện tầm quốc gia và quốc tế như Liên hoan phim quốc tế, các chương trình nghệ thuật với quy mô lớn và các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Các giải pháp Thành phố tổ chức trong đó có nội dung xây dựng bộ tiêu chí công nghệ kiểm đếm du lịch cấp Thành phố, đến nay đã công nhận được 42 điểm đến cấp Thành phố để kết nối, phát triển du lịch cũng như có cơ chế chính sách hỗ trợ các điểm đến.

Với các giải pháp triển khai có hiệu quả gắn kết giữa phát triển văn hóa và du lịch, trong ba năm liên tiếp từ 2022 - 2024, thành phố Hà Nội được tổ chức Du lịch thế giới bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á. Năm 2024, Thủ đô được bình chọn là điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam.

Với các số liệu tăng trưởng du lịch của năm 2024, lượng khách đạt 27,86 triệu lượt người tăng 12,7% so với năm 2023. Riêng khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 6,35 triệu lượt, tăng 34,4% so với năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt trên 110.000 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, với những nội dung, giải pháp đã triển khai có hiệu quả, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả, đặc biệt là cụ thể hóa Luật Thủ đô để ban hành các cơ chế chính sách đặc thù để phát huy lợi thế về không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch và đề án thành lập khu thương mại phát triển thương mại và văn hóa BID.

Ngoài ra Hà Nội sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái thông minh gắn với chuyển đổi số trong du lịch để tạo lợi thế cạnh tranh trong nước và khu vực. Hà Nội cũng sẽ làm tốt công tác xây dựng môi trường du lịch gồm kiểm đếm hạ tầng mỹ thuật, hạ tầng du lịch, vệ sinh môi trường, làm nền tảng để phát triển du lịch bền vững.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/diem-sang-cua-buc-tranh-van-hoa-the-thao-va-du-lich-thu-do-nam-2024-182106.html