Điểm nghẽn làm chậm giải ngân vốn đầu tư công ở Nghệ An

Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An cao hơn so với cùng kỳ và bình quân chung cả nước, tuy nhiên vẫn chưa được như kỳ vọng.

Giải ngân vốn đầu tư công ở Nghệ An đạt 60,26%

Trong buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quý III năm 2024 của tỉnh Nghệ An, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trường cho biết, tính đến ngày 30/9, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân 5.590,345 tỷ đồng, đạt 60,26%.

Cuối tháng 8/2024, đại lộ Vinh - Cửa Lò, công trình giao thông trọng điểm của Nghệ An được thông xe.

Cuối tháng 8/2024, đại lộ Vinh - Cửa Lò, công trình giao thông trọng điểm của Nghệ An được thông xe.

Trong đó, vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 2.406,576 tỷ đồng, đạt 49,84%. Có 8 huyện, thành, thị và 18 đơn vị chủ đầu tư (ngoài huyện) đã giải ngân đạt khá (trên 60%).

Một số dự án trọng điểm đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, như: công trình Xây dựng hệ thống điện trang trí cầu Cửa Hội; thông xe và đưa vào khai thác tạm dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2); đường giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ).

Dự án quan trọng này sẽ là cánh cửa hướng ra biển, tạo động lực phát triển kinh tế biển.

Dự án quan trọng này sẽ là cánh cửa hướng ra biển, tạo động lực phát triển kinh tế biển.

Mặc dù vậy, tốc độ tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn có xu hướng chậm lại. "Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An cao hơn bình quân chung cả nước, tuy nhiên vẫn còn đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của tỉnh, một số nguồn vốn giải ngân vẫn còn chậm,…", Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Ngoài ra, một số nguồn vốn giải ngân thấp, như: chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 36.87%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mới đạt 18,97%;…

Chậm giải phóng mặt bằng

Lý giải về việc này, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Bình Minh (Tx. Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) với tổng số tiền 310 tỷ đồng dù đã hoàn thành 95% tiến độ nhưng vẫn phải dừng lại do vướng mặt bằng.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Bình Minh (Tx. Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) với tổng số tiền 310 tỷ đồng dù đã hoàn thành 95% tiến độ nhưng vẫn phải dừng lại do vướng mặt bằng.

Đó là do một số dự án khởi công mới chưa hoàn thành các bước thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp... để triển khi thi công; Một số dự án chuyển tiếp phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, đấu nối vào đường quốc lộ, chuyển mục đích sử dụng rừng.

Nhiều dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia có số vốn bố trí lớn, trong khi năng lực thực hiện dự án của các ban quản lý dự án còn hạn chế và triển khai trên địa bàn vùng miền núi khó nên tiến độ triển khai chậm. Một số chủ đầu tư chưa tích cực triển khai thi công và thực hiện các thủ tục thanh toán.

"Trong đó, quan trọng nhất là công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành. Các vướng mắc, khó khăn giải phóng mặt bằng vẫn là những tồn tại từ nhiều năm trước. Đó là xác định nguồn gốc đất và giá đất để đền bù thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân bị ảnh hưởng", ông Trường nói.

Chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng "sạch" cho nhà thầu đã gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án, quan trọng hơn là ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế của toàn tỉnh.

Để khắc phục tình trạng trên, trong 3 tháng cuối năm, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện; tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập.

Chậm trễ bàn giao mặt bằng đã khiến cho dự án bị đình trệ, ảnh hưởng phát triển kinh tế.

Chậm trễ bàn giao mặt bằng đã khiến cho dự án bị đình trệ, ảnh hưởng phát triển kinh tế.

Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng còn lại. Đối với các dự án chậm giải ngân, tỉnh cũng rà soát để thực hiện điều chuyển một phần hoặc toàn bộ kế hoạch giao vốn.

Mới đây, tỉnh Nghệ An đã điều chuyển vốn của 14 dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công để bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Các dự án bị điều chuyển vốn có 13 dự án có tổng số vốn 217,54 tỷ đồng (dự án có nguồn đầu tư công tập trung) và 1 dự án với số vốn 3,135 tỷ đồng (có nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia).

Tổng số vốn đầu tư công năm 2024 mà tỉnh Nghệ An được Chính phủ giao là 9.076,67 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương chiếm 2.916,069 tỷ đồng, bao gồm vốn trong nước là 1.388,88 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 37,97 tỷ đồng. Nguồn ngân sách tỉnh chiếm phần còn lại với 6.160,601 tỷ đồng.

Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/diem-nghen-lam-cham-giai-ngan-von-dau-tu-cong-o-nghe-an-204241008070949701.htm