'Điểm mặt, chỉ tên' các hành vi lãng phí và bổ sung chế tài xử lý
Luật Tiết kiệm, chống lãng phí dự kiến có nhiều nội dung mới như mở rộng đối tượng tới các nguồn lực khác của nền kinh tế, làm rõ các khái niệm 'tiết kiệm', 'lãng phí', các hành vi lãng phí ở từng lĩnh vực và chế tài xử lý. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp nhà nước trích lợi nhuận vượt mức để khen thưởng việc thực hiện tốt chống lãng phí.
Mở rộng đối tượng tới các nguồn lực khác của nền kinh tế
Bộ Tài chính đang xây dựng tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (TK, CLP). Theo Bộ Tài chính, qua 10 năm thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2013, công tác THTK, CLP nhìn chung đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025, dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5 năm 2025).
Tuy nhiên, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, gây nhiều bức xúc và nhiều hệ lụy cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Do đó, việc xây dựng Luật TK, CLP là để xây dựng khung khổ pháp lý về TK, CLP rõ ràng, hiệu quả, đảm bảo các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước nhận thức rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của công tác TK, CLP, thực sự tham gia có trách nhiệm vào công tác này. Từ đó, phát huy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác TK, CLP, công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.
Phạm vi điều chỉnh của Luật cơ bản kế thừa quy định của Luật THTK, CLP hiện hành bao gồm các lĩnh vực: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, mở rộng phạm vi gồm việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và các nguồn lực khác của nền kinh tế.
Dự kiến, Luật có 7 nhóm chính sách cơ bản gồm cả các chính sách kế thừa và bổ sung mới. Trong đó, Luật sẽ hoàn thiện các quy định liên quan đến nhận diện “tiết kiệm”, “lãng phí”, “hành vi gây lãng phí” và “hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí”.
Theo đó, Luật sẽ xác định rõ ràng, thống nhất các khái niệm “hành vi gây lãng phí”, “hành vi vi phạm về tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí”, làm cơ sở để xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu đối với công tác TK, CLP. Chính phủ quy định chi tiết hành vi gây lãng phí trong từng lĩnh vực. Các bộ, ngành chịu trách nhiệm quy định cụ thể về phương pháp xác định, nhận diện các hành vi gây lãng phí phù hợp thực tiễn.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật không có quy định về “hành vi không tiết kiệm” và chế tài xử lý đối với “hành vi không tiết kiệm” vì về bản chất các giải pháp, biện pháp tiết kiệm được đưa ra để khuyến khích các cán bộ, công chức, tổ chức khu vực nhà nước, doanh nghiệp, người dân cùng tham gia thực hiện. Mặt khác, nếu tiết kiệm quá mức của xã hội cũng sẽ tương ứng làm giảm tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ và giảm tốc độ tăng trưởng GDP.
Bổ sung quy định bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm
Về chế tài xử lý đối với “hành vi gây lãng phí” và “hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí”, Luật kế thừa các quy định hiện hành về việc tùy thuộc vào hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân thực hiện có thể áp dụng các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý kỷ luật theo pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức tương ứng.
Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng các hình thức kỷ luật trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu đơn vị có các “hành vi gây lãng phí” và “hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí”.
Bên cạnh đó, Luật đã tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia có trách nhiệm vào công tác TK,CLP.
Theo đó, Luật bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được trích lại một tỷ lệ % nhất định phần lợi nhuận vượt mức kế hoạch để trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp và trích quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên. Chính phủ quy định chi tiết việc trích lại để lập các Quỹ.
Đặc biệt, để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Luật bổ sung các quy định cho phép có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm trong trường hợp cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức đề xuất đổi mới, sáng tạo trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách theo quy định pháp luật.
Thiếu các chế tài đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa hành vi lãng phí
Luật THTK, CLP 2013 đã có quy định cụ thể các hành vi gây lãng phí trong một số lĩnh vực bao gồm: lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách; mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc và phương tiện thông tin, liên lạc…
Tuy nhiên, Luật này chưa bao quát hết một số hành vi gây lãng phí trên thực tế như hành vi gây lãng phí trong việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, hành vi gây lãng phí trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công...; chưa có sự phân biệt giữa hành vi gây lãng phí và hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí;
Một số hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí lại chưa được quy định tại Luật như hành vi không ban hành hoặc chậm ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong từng lĩnh vực làm cơ sở để thực hiện TK,CLP; không rà soát để sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, định mức, chế độ thuộc ngành lĩnh vực không còn phù hợp với thực tế; chậm/không ban hành các Chương trình THTK, CLP trong từng lĩnh vực; không thực hiện việc đánh giá hiệu quả, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí được giao...
Mặt khác, việc quy định quá cụ thể các hành vi gây lãng phí như tại Luật THTK, CLP hiện hành có thể dẫn đến việc chậm/không xử lý được các hành vi gây lãng phí mới phát sinh trên thực tế trong từng thời kỳ, thường xuyên phải sửa đổi Luật, không đảm bảo tính ổn định lâu dài của văn bản.
Luật cũng còn thiếu các quy định về chế tài xử lý đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa các trường hợp lãng phí có thể xảy ra. Chế tài xử lý đối với các trường hợp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực TK, CLP tại Luật THTK, CLP hiện hành mới chỉ ở mức dẫn chiếu đến các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật chuyên ngành. Theo đó, chưa có các quy định riêng về xử lý kỷ luật tương ứng với từng hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.