Điểm lại một số chính sách tài chính có hiệu lực trong tháng 9/2020
Quy định về hình thức gửi báo cáo về Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Chế độ công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Quy định mới về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại... là những chính sách tài chính có hiệu lực từ tháng 9/2020.
Hình thức gửi báo cáo về Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư số 76/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29/10/2014 của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu...
Theo đó, bổ sung quy định về hạch toán, quyết toán Quỹ Bình ổn giá tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC như sau: Các báo cáo về Quỹ bình ổn giá, sao kê về các giao dịch phát sinh liên quan đến tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá của thương nhân đầu mối được gửi tới Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) và Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) bằng một trong các phương thức sau: Gửi trực tiếp tại Văn phòng cơ quan tiếp nhận; Gửi qua dịch vụ bưu chính; Gửi qua Fax hoặc thư điện tử bcxangdau@mof.gov.vn (bản scan).
Thông tư có hiệu lực thi hành ngày 30/9/2020.
Chế độ công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 77/2020/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, quy định chế độ công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp như sau:
- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước thực hiện công bố thông tin trước đợt phát hành cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội theo quy định tại Khoản 9 và Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 81/2020/NĐ-CP.
- Bản công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu phải được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền công bố thông tin của doanh nghiệp ký và đóng dấu của doanh nghiệp phát hành.
- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gửi nội dung công bố thông tin đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 163/2018.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 28/9/2020.
Quy định mới về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại
Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ban hành ngày 08/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.
Theo Nghị định, việc quản lý và sử dụng viện trợ phải đảm bảo các nguyên tắc: Các khoản viện trợ chỉ được tiếp nhận, thực hiện, sử dụng khi đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt. Nguồn tiền viện trợ phải là nguồn tiền, tài sản hợp pháp; không tiếp nhận những hàng hóa (kể cả vật tư, thiết bị) thuộc danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật; cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý và sử dụng hiệu quả khoản viện trợ.
Nghị định cấm các hành vi: Sử dụng viện trợ để phục vụ mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc...
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 17/09/2020.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ban hành ngày 09/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; trong đó sửa đổi khoản 8 Điều 6 về giao dịch trái phiếu.
Cụ thể, trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật. Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định về giao dịch tại thị trường phát hành.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2020.
Sử dụng kinh phí duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều
Thông tư số 68/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều. Theo đó, có 03 nguồn kinh phí để thực hiện gồm:
Một là, từ ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí chi thường xuyên để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều đối với các tuyến đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa đột xuất, xử lý cấp bách sự cố do thiên tai, mưa lũ đối với các tuyến đê cấp IV và cấp V do địa phương quản lý, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Hai là, từ ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí chi thường xuyên để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều đối với các tuyến đê cấp IV và cấp V.
Ba là, đối với đê chuyên dùng của các ngành, các tổ chức kinh tế; kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều do các chủ công trình bảo đảm.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2020.