Điểm chuẩn của Đại học Bách khoa Hà Nội có thể sẽ giảm
Ngoại trừ một số ngành 'hot', đa số điểm chuẩn theo phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT vào các ngành của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có xu hướng giảm.
Đây là nhận định của TS. Lê Đình Nam, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cụ thể, với một số ngành "hot" có mức độ cạnh tranh cao như nhóm ngành Công nghệ thông tin, điểm chuẩn năm nay có khả năng tăng nhẹ, đặc biệt là khi có một số mã xét tuyển Công nghệ thông tin năm ngoái không lấy kết quả điểm thi THPT. Nhóm ngành tự động hóa, cơ điện tử và toán tin sẽ có điểm chuẩn có thể giữ nguyên hoặc không thay đổi đáng kể. Đa phần các chương trình còn lại dự báo điểm chuẩn có thể giảm.
Lý giải về dự báo này, TS. Lê Đình Nam cho biết xuất phát từ các số liệu thống kê, số lượng thí sinh lựa chọn học đại học đang giảm, chỉ khoảng 50% thí sinh nhập học đại học. Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng thí sinh tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển đại học giảm gần 20% so với năm 2021 và giảm 3,4% so với năm 2020. Trong khi đó, số lượng người thi lựa chọn khối Khoa học tự nhiên, nguồn tuyển sinh cho các trường tập trung tuyển nhiều theo các khối A00,A01,B00,D07 như Bách khoa Hà Nội, giảm so với các năm trước, chỉ chiếm khoảng 31,52% trong số các bạn tham gia thi TNTHPT.
"Cùng với các phương thức xét tuyển đa dạng hiện nay, nhiều thí sinh có năng lực tốt đã trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm. Khác với năm 2022, năm nay, tất cả các ngành đào tạo của Bách khoa Hà Nội đều sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Chỉ tiêu xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội theo điểm thi (bao gồm điểm thi THPT và Đánh giá tư duy) tăng so với năm ngoái, chiếm 85 - 90%. Đây cũng là một trong các cơ sở đánh giá điểm chuẩn vào Bách khoa Hà Nội sẽ giảm so với các năm", TS Nam thông tin.
Để lựa chọn ngành, nghề phù hợp, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội khuyên các thí sinh nên tìm hiểu kỹ các ngành học dựa theo sở thích, năng lực và điều kiện của gia đình, không chạy theo số đông.
“Việc lựa chọn ngành học dựa theo lợi thế cá nhân là bàn đạp vững chắc để người học có thể tỏa sáng trên con đường sự nghiệp”, TS. Lê Đình Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, với xu hướng liên ngành - đa ngành trong giáo dục đại học, các ngành học khối kỹ thuật có tính liên kết và tương đồng. Ví dụ, các thí sinh quan tâm đến ngành điện tử có thể tìm hiểu thêm về một số ngành liên quan như vật liệu, vật lý kỹ thuật,… để tăng khả năng đỗ của mình vào lĩnh vực yêu thích.
TS Nam cũng cho rằng các thí sinh với điểm không cao nên đặt nhiều nguyện vọng bởi “nếu không đăng ký nguyện vọng, khả năng đỗ bằng 0; nếu đăng ký, cơ hội dù ít những vẫn còn”. Ông khẳng định các dự báo điểm chuẩn chỉ mang tính chất tham khảo, các thí sinh dưới mức dự báo vẫn nên mạnh dạn đăng ký ngành học yêu thích vì thứ tự nguyện vọng không ảnh hưởng đến kết quả đỗ vào các nguyện vọng bên dưới.
Trước đó, Đại học Bách khoa Hà Nội đã thông tin dự báo điểm chuẩn xét tuyển theo phương thức kết quả kỳ thi đánh giá tư duy năm nay dựa trên phổ điểm và xu hướng lựa chọn ngành học của thí sinh. Điểm chuẩn dự báo trên thang 100 điểm bao gồm điểm thi Đánh giá tư duy, điểm ưu tiên (điểm khu vực, đối tượng) và điểm thưởng chứng chỉ ngoại ngữ. Ngưỡng đảm bảo chất lượng, hay mức điểm xét tuyển tối thiểu đối với phương thức xét bằng điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến là 50 điểm.