Điểm báo: Chung cư: Cầu giảm nhưng giá vẫn tăng

Đề xuất giáo viên mầm non nghỉ hưu ở tuổi 55: Thấu hiểu những nhọc nhằn; Chung cư: cầu giảm nhưng giá vẫn tăng; Nợ xấu tăng mạnh: Đâu là biện pháp để các ngân hàng xử lý?; Mối nguy hại của đồ uống có đường và xu hướng áp dụng thuế trên thế giới...là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 26/5.

ĐỀ XUẤT GIÁO VIÊN MẦM NON NGHỈ HƯU Ở TUỔI 55: THẤU HIỂU NHỮNG NHỌC NHẰN (GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI)

Đề xuất giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc và nghỉ hưu ở tuổi 55 trong dự thảo Luật Nhà giáo là phù hợp thực tế. Thông tin đăng tải trên báo Giáo dục và thời đại.

Nghiệp vụ của giáo viên mầm non không chỉ là dạy học đa dạng, mà còn phải chăm sóc, giáo dưỡng, bảo vệ trẻ trong không gian và thời gian khác biệt. Giáo viên mầm non phải chịu nhiều khó khăn, áp lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do đó, các chuyên gia cho rằng việc xác định những đặc thù trong chế độ lao động, tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non theo dự thảo Luật Nhà giáo đề cập là hoàn toàn thỏa đáng, sẽ tạo điều kiện cho những giáo viên trẻ, khỏe mạnh, năng động tham gia vào ngành giáo dục mầm non, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

CHUNG CƯ: CẦU GIẢM NHƯNG GIÁ VẪN TĂNG (VNECONOMY)

Lượng người quan tâm, tìm mua chung cư đang giảm hẳn, song giá chào bán vẫn bị đẩy lên khiến cung - cầu khó gặp nhau...

Đăng tải trên báo Vneconomy, giá chung cư có hiện tượng "tăng ảo". Nếu thấy mức giá chênh lệch quá người mua có thể cân nhắc. Bởi không loại trừ khả năng một số đối tượng dùng chiêu trò “thổi giá” giúp tăng lợi nhuận. Ngoài ra, thời điểm mua vào nên nghiên cứu lúc ba bộ luật, là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai có hiệu lực, để quyền lợi được bảo vệ chặt chẽ. Người tiêu dùng nên xác định rõ mục đích của mình, nếu mua để ở thì có thể giao dịch khi tài chính cho phép. Còn nếu đầu tư trong dài hạn và đầu tư với mục đích cho thuê lấy dòng tiền thì chung cư là loại hình đáng cân nhắc, người mua nên nghiên cứu, suy xét đầy đủ lịch sử về giá, để chủ động nhận định đâu là mức giá tham khảo hợp lý trước khi quyết định.

NỢ XẤU TĂNG MẠNH: ĐÂU LÀ BIỆN PHÁP ĐỂ CÁC NGÂN HÀNG XỬ LÝ? (VOV)

Theo thống kê của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024, với tổng nợ xấu là 224.146 tỷ đồng, tăng đến hơn 14% cuối năm 2023. Thông tin chi tiết đăng tải trên báo VOV.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là vấn đề đã nhìn thấy trước và cũng đã lo lắng. Tuy nhiên nợ xấu tăng với mức cao như hiện nay thực sự cũng đang là một gánh nặng với hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Cùng với chính sách giảm lãi suất, việc giãn, hoãn nợ sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp tạo vòng quay sản xuất kinh doanh liên tục. Chậm trả nợ cũng sẽ giúp doanh nghiệp và người dân có thêm cơ hội vượt qua khó khăn. Giãn, hoãn nợ tức là khoản nợ vẫn còn, chỉ là chưa thu và doanh nghiệp vẫn có cơ hội được vay các khoản vay mới. Ngân hàng cũng cần phải giảm mục tiêu lợi nhuận. Vì với các khoản nợ được giãn, hoãn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.

MỐI NGUY HẠI CỦA ĐỒ UỐNG CÓ ĐƯỜNG VÀ XU HƯỚNG ÁP DỤNG THUẾ TRÊN THẾ GIỚI (THỜI BÁO TÀI CHÍNH VN)

Người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày/người, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25g/ngày của WHO. Việc tiêu thụ quá mức đồ uống có đường đã và đang ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Để hạn chế tác hại đồ uống có đường, đã có hơn 100 quốc gia áp dụng công cụ thuế để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng.

Theo tờ báo, Sử dụng 1 lon đồ uống có đường hàng ngày cũng gia tăng các vấn đề liên quan tim mạch, xương răng, cơ xương khớp, chuyển hóa đái tháo đường tăng 20- 30%. Người uống nước ngọt hàng ngày thì nguy cơ bị gãy xương cao gấp 4,69 lần. Đáng lưu ý, sử dụng đồ uống có đường cũng làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Để hạn chế việc tiêu thụ đường hiện nay, biện pháp phổ biến là tăng thuế. Tăng thuế sẽ tác động đến tăng giá qua đó tác động đến hành vi tiêu thụ, gánh nặng sức khỏe và kinh tế - xã hội sẽ thay đổi tương đương với mức tăng giá bán lẻ. Nếu mức tăng giá 5% đem lại sự thay đổi không đáng kể thì tăng giá ở mức 20% có thể đem lại sự thay đổi tích cực cho cho tình trạng béo phì ở Việt Nam.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-chung-cu-cau-giam-nhung-gia-van-tang-223417.htm