Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Đông Nam Á
Khu vực Đông Nam Á vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/8, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 105.000 ca mắc COVID-19 và 2.526 ca tử vong. Đến nay, tổng số ca mắc bệnh trong toàn khu vực đã tăng lên 7.863.321 ca. Bên cạnh đó, khu vực Đông Nam Á cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 6.465.044 trường hợp.
Toàn khối ASEAN vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, có 10/11 nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới; 6 quốc gia thành viên công bố các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Myanmar và Philippines.
Hôm qua, Philippines đã ghi nhận số ca COVID-19 mới theo ngày cao nhất trong gần 4 tháng qua khi Bộ Y tế nước này thông báo nước này ghi nhận 10.623 ca mắc mới và thêm 247 ca tử vong. Kể từ khi dịch bùng phát, Philippines đã ghi nhận tổng cộng 1.638.345 ca, trong đó có 28.673 ca tử vong, đứng thứ hai tại khu vực Đông Nam Á về số ca mắc và tử vong do COVID-19.
Ngày 6/8, thủ đô Manila của Philippines đã bị áp đặt phong tỏa trở lại trong bối cảnh áp lực đối với các bệnh viện đang rất lớn. Các chuyên gia cảnh báo nếu các biện pháp hạn chế không được siết chặt ở thủ đô Manila thì số ca mắc COVID-19 tăng mạnh có thể đẩy hệ thống y tế của thành phố vào tình trạng quá tải.
Trong khi đó, ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, số ca mắc mới và ca tử vong tiếp tục tăng mạnh trong nhiều ngày liên tiếp. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và mắc mới cao nhất châu Á. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia chiếm tới trên 50% số người chết của châu Á và Indonesia hiện là tâm dịch của cả thế giới.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 6/8, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức cao với 160 trường hợp, đứng thứ tư trong khối ASEAN.
Theo quan chức cấp cao của Bộ Y tế Malaysia, ông Hishamshah Mohd Ibrahim, biến thể Delta đã trở nên phổ biến, dẫn tới sự gia tăng số ca mắc COVID-19. Ông Hishamshah cho biết, từ kết quả giải mã trình tự gene được Viện Nghiên cứu y học (IMR) và các phòng thí nghiệm khác thực hiện, biến thể Delta đã trở thành dòng virus lây nhiễm chính tại nước này.
Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ ở mức cao nhất từ trước đến nay, trong khi gần 100.000 bệnh nhân ở thủ đô Bangkok hiện đang thực hiện cách ly tại nhà.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này có thêm 21.379 ca mắc mới COVID-19 và 191 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 714.684 ca, trong đó có 5.854 ca tử vong. Theo Chính quyền vùng đô thị Bangkok, 20% số người sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ATK) từ ngày 20/7 đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngày 6/8, Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này ghi nhận thêm 588 ca mắc mới COVID-19. Đây là mức cao mới tính theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Các ca mắc mới gồm 423 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 165 ca nhập cảnh. Campuchia cũng ghi nhận thêm 19 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 1.526 ca trong tổng số 80.813 ca mắc COVID-19.
Campuchia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng cho người trưởng thành từ ngày 10/2 và cho nhóm đối tượng thanh thiếu niên (từ 12-17 tuổi) vào ngày 1/8 vừa qua, với mục tiêu tiêm chủng cho 12 triệu người (gồm 10 triệu người trưởng thành và 2 triệu thanh thiếu niên) cho đến tháng 11 tới, chiếm 75% trong tổng số 16 triệu dân của nước này.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine, tính đến ngày 5/8, khoảng 7,81 triệu người Campuchia (gồm 7,61 triệu người trưởng thành và 197.806 thanh thiếu niên) đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, chiếm 48,8% dân số.