Dịch COVID-19 tại châu Mỹ: Brazil vượt mốc 400.000 người tử vong

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Rio Grande do Sul, Brazil, ngày 16/4/2021. Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 29/4, Bộ Y tế Brazil cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 3.001 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số trường hợp tử vong từ đầu dịch bệnh đến nay lên 401.186 người, đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, như vậy, Brazil đã vượt con số 400.000 người tử vong do COVID-19 chỉ sau hơn 1 tháng kể tử khi ghi nhận tổng cộng 300.000 ca hồi cuối tháng Ba vừa qua trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chương trình tiêm chủng tiến triển chậm và sự yếu kém trong công tác phòng chống dịch.

Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này cũng đã lên tới 14,5 triệu người. Chuyên gia dịch tễ học Ethel Maciel thuộc trường đại học Espiritu Santo (UFES) thừa nhận Brazil đang phải chịu tác động mạnh trong làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 với sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở vùng Amazona và lây lan ra nhiều vùng trên cả nước với tốc độ nhanh hơn trước đây.

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn chỉ trích các biện pháp giãn cách xã hội do chính quyền các địa phương thực hiện, cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Cùng ngày, Bộ Y tế Cuba thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 1.149 ca mắc mới COVID-19, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 18 ca, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, đáng chú ý, trong báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh hằng ngày, Bộ Y tế Cuba cho hay trong tổng số ca mắc mới trên có tới 172 trường hợp dưới 18 tuổi và 11 trong số đó là trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Tháng 4 được ghi nhận là tháng có số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất tại đảo quốc Caribe này, với trung bình hơn 1.000 ca mỗi ngày.

Tính tới nay Cuba đã ghi nhận tổng cộng 105.661 ca mắc trên cả nước, trong đó 632 người không qua khỏi. Phần lớn các ca nhiễm đều ở "tâm dịch" La Habana với 2,2 triệu dân.

Hiện chính quyền thành phố vẫn đang tiếp tục duy trì các biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, bao gồm lệnh giới nghiêm vào ban đêm được ban hành từ tháng 2 vừa qua, đóng cửa toàn bộ các trường học, nhà hàng, quán bar và bãi biển, cũng như hạn chế giao thông liên tỉnh.

Tại Thái Lan, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, số ca mắc mới COVID-19 ở nước này giảm ngày thứ hai liên tiếp, với 1.583 ca ghi nhận ngày 30/4, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 65.153 ca.

Trước đó, ngày 29/4, số lượng các ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở Thái Lan đã giảm xuống dưới ngưỡng 2.000 ca (cụ thể là 1.871 ca), nhưng số bệnh nhân tử vong vẫn ở ngưỡng hai con số (10 người).

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) ngày 30/4 cho biết Thái Lan có thêm 15 người tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này lên 203 ca.

Chính phủ Thái Lan đã cho phép các đơn vị tư nhân nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo của chiến dịch tiêm chủng.

Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) Suphan Mongkolsutee đã xác nhận thông tin trên hôm 29/4 sau khi tham dự cuộc họp với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha một ngày trước đó để bàn về việc mua vắc xin.

Ông Suphan cho biết chính phủ sẽ đẩy nhanh quá trình mua 100 triệu liều vắc xin trong năm nay, và có thể cấp phép thêm một loại vắc xin khác vào tháng 5 tới.

Tới nay, Thái Lan đã đặt hàng 61 triệu liều vắc xin AstraZeneca và 2,5 triệu liều vắc xin Sinovac, đồng thời đang đàm phán mua 5-10 triệu liều vắc xin Sputnik V của Nga.

FTI cho biết liên đoàn sẽ phối hợp với khu vực tư nhân, bao gồm cả các nhà điều hành bệnh viện tư nhân, để nhập khẩu vắc xin.

Trong khi đó, Bộ Y tế Thái Lan sẽ mở đăng ký tiêm chủng cho người dân thông qua ứng dụng chính thức trên điện thoại di động có tên “Mor Phrom V.2” (Bác sĩ sẵn sàng) từ ngày 1/5 hoặc tại các bệnh viện hay văn phòng y tế địa phương.

Từ ngày 28/2, Bộ Y tế Thái Lan đã cung cấp vắc xin phòng COVID-19 cho các nhân viên và tình nguyện viên y tế có nguy cơ lây nhiễm cao khi tiếp xúc với bệnh nhân. Đến nay, hơn 1 triệu người trong nhóm này đã được tiêm mũi đầu tiên và khoảng 200.000 người đã tiêm mũi thứ hai.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255104/dich-covid-19-tai-chau-my--brazil-vuot-moc-400-000-nguoi-tu-vong.html