Di sản văn hóa phi vật thể vùng Đất Tổ: Trường tồn cùng thời gian

PTĐT - Tự hào là vùng đất cội nguồn, Phú Thọ được đồng bào cả nước biết đến là nơi lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Với sự phong phú, đặc sắc, nhiều loại hình, trải qua hàng ngàn đời, di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) mãi trường tồn...

Truyền dạy Hát Xoan

Truyền dạy Hát Xoan

PTĐT - Tự hào là vùng đất cội nguồn, Phú Thọ được đồng bào cả nước biết đến là nơi lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Với sự phong phú, đặc sắc, nhiều loại hình, trải qua hàng ngàn đời, di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) mãi trường tồn và ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt, là “sợi dây” gắn kết đồng bào cũng như thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế, trở thành giá trị văn hóa tạo động lực cho phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.Tự hào bản sắc văn hóa dân tộcTrong hai năm liên tiếp 2011, 2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Hát Xoan Phú Thọ là DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là DSVHPVT đại diện của nhân loại. Điều này góp phần quan trọng khẳng định giá trị các DSVHPVT của Việt Nam trên “bản đồ” văn hóa thế giới. Phú Thọ cũng vinh dự là địa phương duy nhất trong cả nước có hai DSVHPVT đại diện của nhân loại, được tỉnh nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả bằng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể.Sau 6 năm di sản Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh là DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đã cam kết trong Chương trình hành động với các biện pháp bảo vệ, phục hồi và phát huy giá trị di sản Hát Xoan một cách bài bản, khoa học theo đúng các quy định của UNESCO và pháp luật Việt Nam, được các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các nghệ nhân và cộng đồng các phường Xoan ghi nhận, đánh giá cao. Những nỗ lực đó của tỉnh và cộng đồng đã được UNESCO ghi nhận, coi là trường hợp điển hình. Cuối năm 2017, “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại.

 Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. - Lễ rước kiệu của các xã vùng ven Khu Di tích lịch sử Đền Hùng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2019.

Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. - Lễ rước kiệu của các xã vùng ven Khu Di tích lịch sử Đền Hùng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2019.

Cùng với Hát Xoan, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO ghi danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012. Thực hiện Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ sức sống, sự lan tỏa rộng rãi của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tỉnh đã có nhiều chương trình, hành động cụ thể nhằm phục hồi không gian thờ tự, những lễ nghi, diễn xướng liên quan và khuyến khích việc trao truyền, thực hành nghi lễ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho các thế hệ. Hoạch định và thực hiện nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Không chỉ đồng bào cả nước thể hiện niềm tự hào dân tộc bằng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà kiều bào ta ở nước ngoài cũng một lòng mong muốn và có những hoạt động tạo nên hình ảnh đất nước, cội nguồn của dân tộc mình trên khắp năm châu. Điều đó đã dần lan tỏa khi Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu (phối hợp tổ chức thống nhất Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam trên toàn cầu) do kiều bào Việt Nam ở nước ngoài sáng lập và được khởi xướng từ năm 2015 với quy mô quốc tế. Dự án nhằm vinh danh giá trị tinh thần của dân tộc Việt trên các phương diện như văn hóa, xã hội, truyền thống, phong tục, ẩm thực, đặc biệt là văn hóa tâm linh, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương... góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới và gắn kết tinh thần đại đoàn kết dân tộc...Nỗ lực bảo tồnTheo số liệu kiểm kê của ngành văn hóa, từ năm 2013-2015 trên địa bàn tỉnh có 874 DSVHPVT thuộc 7 loại hình DSVHPVT, trong đó có 39 DSVHPVT tiêu biểu, 17 DSVHPVT tiêu biểu được điều tra, phục dựng, lưu trữ; 8 DSVHPVT tiêu biểu được đưa vào Danh mục DSVHPVT Quốc gia. Thực hiện chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2009 - 2018, tỉnh cũng đã có những chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bền vững với một tầm nhìn mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước, trong đó, các DSVHPVT được đặc biệt quan tâm và cũng được coi là tiềm năng dồi dào để phát triển văn hóa, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Truyền dạy Hát Xoan là một trong những giải pháp góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể.- “Mầm Xoan” Câu lạc bộ Xoan An Thái tham gia luyện tập Hát Xoan cùng các nghệ nhân.

Truyền dạy Hát Xoan là một trong những giải pháp góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể.- “Mầm Xoan” Câu lạc bộ Xoan An Thái tham gia luyện tập Hát Xoan cùng các nghệ nhân.

Để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa, tỉnh tập trung thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy… với sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Đồng thời Phú Thọ có nhiều chương trình, dự án bảo tồn DSVHPVT đã và đang được thực hiện, nhất là các đề tài, dự án liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ với tính thực tiễn cao. Xây dựng ngân hàng dữ liệu về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; phòng trưng bày, dữ liệu và thư mục, lưu trữ và giới thiệu Hát Xoan phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập. Nhận thức rõ vai trò của nghệ nhân trong việc bảo tồn DSVHPVT, tỉnh đặc biệt quan tâm việc bảo vệ “Báu vật nhân văn sống” được thông qua các hoạt động khai thác và bảo hộ nghệ nhân như đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức trình diễn, khai thác truyền dạy, đào tạo nghệ nhân, đội ngũ kế cận để DSVHPVT tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng một cách bền vững.Nói về công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT của tỉnh, ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cho biết: “Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT của tỉnh luôn được đặc biệt chú trọng. Nhờ biết khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, DSVHPVT đã phát huy giá trị phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng văn hóa tinh thần của xã hội, là tài nguyên phong phú và sản phẩm du lịch lợi thế của vùng đất Tổ. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn khi DSVHPVT đối mặt với nguy cơ thất truyền, mai một; việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế; công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các DSVHPVT chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người cần đầu tư cho lĩnh vực này còn khó khăn, đòi hỏi sự chung tay tiếp tục bảo tồn và phát huy những DSVHPVT vùng đất Tổ của không chỉ các cấp, ngành trong tỉnh mà của đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài để DSVHPVT mãi trường tồn với thời gian, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và phát huy thế mạnh phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế”.

Huyền Nga

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/201911/di-san-van-hoa-phi-vat-the-vung-dat-to-truong-ton-cung-thoi-gian-167659