Di sản văn hóa là tài sản vô giá
Di sản văn hóa Chăm bao hàm cả văn hóa vật thể và phi vật thể, từ những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng cho đến những lễ nghi nông nghiệp, lễ hội văn hóa dân gian, những làn điệu, vũ điệu… hết thảy đều do nhân dân qua quá trình lao động lâu dài mà sáng tạo ra và hình thành nên trong suốt tiến trình lịch sử.
Trong những di sản văn hóa đó không thể không kể đến đó là di sản văn hóa Lễ hội Katê của đồng bào Chăm đã có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn.
Với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở, sáng 14/10, Lễ hội Katê năm 2023 của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức long trọng tại Tháp Pô Sha Inư, thành phố Phan Thiết với sự tham gia của đông đảo cộng đồng người Chăm ở các địa phương trong tỉnh. Lễ hội Katê không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân. Lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng tại tháp Pô Sah Inư, thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết từ năm 2005 và trở thành một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm mà Lễ hội Katê còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế. Ngày 4/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong tỉnh nói chung và Lễ hội Katê của người Chăm nói riêng. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Chăm tỉnh Bình Thuận cũng như các tổ chức, cá nhân khi nghiên cứu, tham gia thực hành di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Katê của người Chăm, góp phần phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương phát triển.
Trong một xã hội không ngừng phát triển, di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là nơi lưu giữ những nét đẹp, những giá trị truyền thống của những thế hệ đi trước, là nền tảng để một dân tộc tiếp cận với những nền văn hóa khác trên thế giới mà không mất đi bản sắc dân tộc. Trong quá trình tiếp biến văn hóa, có rất nhiều tôn giáo lớn trên thế giới đã du nhập vào nước ta trong nhiều giai đoạn khác nhau, tuy nhiên ở nước ta vẫn có những tín ngưỡng bản địa tiêu biểu như Lễ hội Katê là một ví dụ. Đây chính là những minh chứng vật chất xác thực của quá trình lao động sáng tạo, tâm linh, chinh phục thiên nhiên, quá trình dựng nước và giữ nước của cả dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn năm nay.
Trước xu hướng đô thị hóa phát triển nhanh như hiện nay cùng với chủ trương mở cửa hội nhập và giao lưu văn hóa với bạn bè trên thế giới đang diễn ra nhanh chóng, nền văn hóa nước ta đang có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đầy thách thức trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trên cơ sở bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Với những tác động của thời gian đã đặt di sản đứng trước nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng đó vấn đề đặt ra hiện nay là cần có những chính sách, hành động cụ thể nhằm bảo vệ những di sản văn hóa đã có từ bao đời nay, đồng thời bồi đắp, gìn giữ, trao truyền, thực hành các nghi lễ trong lễ hội để giáo dục cho các thế hệ con cháu về ý thức và trách nhiệm trong việc kế thừa, tiếp nối, nhận diện được giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng nơi mình đang sinh sống. Từ đó biết trân trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp mà ông bà, tổ tiên đã dày công vun đắp, lưu lại cho thế hệ sau này.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/di-san-van-hoa-la-tai-san-vo-gia-114023.html