Đi làm ruộng với vết thương hở ở chân, người đàn ông 64 tuổi ở Nam Định sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng

Tổn thương ban đầu của bệnh nhân là ở vùng bàn chân quanh vết thương hở, sau vài giờ lan nhanh lên cẳng chân và đùi trái với triệu chứng đau buốt, thâm tím.

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, vừa qua, các bác sĩ của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nguy kịch do nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người".

Cụ thể, nam bệnh nhân (64 tuổi, quê Giao Thủy, Nam Định) được đưa đến Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Bệnh nhân bị nhiễm trùng cẳng bàn chân lan nhanh sau khi vết thương hở do vỡ hạt Tophy tiếp xúc với nước trong khi làm ruộng.

Bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người". Ảnh BVCC.

Bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người". Ảnh BVCC.

Theo người nhà, tổn thương ban đầu của bệnh nhân là ở vùng bàn chân quanh vết thương hở, sau vài giờ lan nhanh lên cẳng chân và đùi trái với triệu chứng đau buốt, phỏng nước, thâm tím vùng da tổn thương, rối loạn cảm giác. Tổn thương được xác định là viêm cân mạc hoại tử gây nhiễm trùng nhiễm độc nặng.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân được thở máy, lọc máu, rạch mở rộng vùng da, cân tổn thương, cấy dịch vết thương, cấy máu, kết quả dương tính với vi khuẩn Vibrio vulnificus. Đây là một loại vi khuẩn gram âm, được xem là một trong những "vi khuẩn ăn thịt người" bởi độc tố gây phá hủy mô liên kết và các mô trong cơ thể.

Vi khuẩn này thường gây ra viêm cân mạc hoại tử lan rộng và nhanh chóng gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo ThS.BS. Nguyễn Thị Huyền Trang - Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, vi khuẩn Vibrio vulnificus thường được tìm thấy trong môi trường nước mặn, nước lợ ven biển nhiệt đới và cận nhiệt đới với nhiệt độ nước trên 20 độ C.

Nguy cơ nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus có thể do ăn các thực phẩm chứa vi khuẩn như hàu sống hoặc phơi nhiễm vi khuẩn qua vết thương hở như tiếp xúc trực tiếp với nước biển, nước lợ trong lao động, vui chơi trên biển. Đối tượng dễ nhiễm khuẩn là người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, bệnh tiểu đường.

Tổn thương thường gặp là sưng đỏ và đau, phỏng nước hoặc viêm mủ, hoại tử da lan nhanh trong vài giờ, vài ngày, kèm theo các triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, sốc, tụt huyết áp, suy tạng, hôn mê và tử vong.

Cũng theo BS Trang, tỷ lệ tử vong liên quan tới thời gian sử dụng kháng sinh sớm. Theo báo cáo về 62 trường hợp nhiễm Vibrio vulnificus ở Florida, Mỹ, dùng kháng sinh sớm trong 24h sau nhập viện tỷ lệ tử vong khoảng 33%. Tỷ lệ này tăng lên 53% khi dùng kháng sinh trong 24 - 48h và 100% nếu dùng kháng sinh sau 48h.

Vi khuẩn này nhạy cảm với hầu hết kháng sinh trên in vitro (trong phòng thí nghiệm) trừ Colistin. CDC Hoa Kỳ khuyến cáo dùng Doxycyclin đường tĩnh mạch hoặc đường uống kết hợp với 1 kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 trong 14 ngày có hiệu quả tốt trong điều trị Vibrio.

Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm loại "vi khuẩn ăn thịt người" này, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần tránh ăn hải sản sống, tránh tiếp xúc vết thương hở với nước biển, nước lợ hoặc hải sản sống, đặc biệt là các loại có vỏ, cẩn thận hơn đối với người cơ địa suy giảm miễn dịch, tiểu đường, bệnh mạn tính.

Rửa vết thương bằng xà phòng và nước sạch nếu có tiếp xúc với nước biển; đến ngay cơ sở y tế nếu có bất kỳ triệu chứng sưng đau, phỏng nước nào ở vùng da tổn thương sau khi tiếp xúc với môi trường có nguy cơ.

N.Mai

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/di-lam-ruong-voi-vet-thuong-ho-o-chan-nguoi-dan-ong-64-tuoi-o-nam-dinh-soc-nhiem-khuan-suy-da-tang-172240711123753879.htm