Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016
Chiều 17/11, tại Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Hội nghị có sự tham gia của các cơ quan báo chí, liên chi hội, chi hội trực thuộc và 25 hội nhà báo các tỉnh miền Bắc.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định: Sau 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của những người làm báo và toàn xã hội. Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, là chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn, giúp nhà báo và cơ quan báo chí hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, từ nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí đến việc phân định báo và tạp chí, hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú... Đã có những phát sinh khi triển khai thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội, đòi hỏi phải cập nhật, sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung sát thực tiễn hơn để giúp cho hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tác nghiệp, tham gia mạng xã hội.
Đáng chú ý, một số cơ quan báo chí, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi, kể cả việc làm sai lệch bản chất của sự việc. Hiện tượng nhà báo - hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề được không chỉ báo giới mà dư luận xã hội rất quan tâm.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 phù hợp với tình hình mới
Tại hội nghị, từ thực tiễn hoạt động báo chí ở địa phương, nhiều đại biểu đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016; nêu giải pháp để thực hiện tốt 10 điều Quy định nghề nghiệp người làm báo; đưa ra các giải pháp đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ, thu hút hội viên là phóng viên thường trú, các văn phòng đại diện về sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương...
Các đại biểu trao đổi ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam trong giáo dục bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo; thường xuyên theo dõi, giám sát và tăng cường xử lý vi phạm của hội viên.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng Luật Báo chí cần quy định chặt chẽ việc tuyển dụng phóng viên của các cơ quan báo chí để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến những quy định cụ thể trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí để góp phần định hướng truyền thông trên môi trường số, ngăn chặn những tiêu cực có thể nảy sinh từ xu hướng truyền thông phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Trong 2 ngày 16 & 17/11, tại tỉnh Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chuỗi các Hội nghị gồm: Tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia; Tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai Chương trình hỗ trợ năm 2023, 2024; Hội nghị Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; Hội nghị Sơ kết 01 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; tổng kết 5 năm thực hiện quyết định 979/QĐ-HNBVN và Hội nghị Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số.
Tham dự Hội nghị, đại diện các CLB Nhà báo nữ đã tích cực tham luận, đóng góp ý kiến làm rõ hơn chủ đề của các Hội nghị; chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp của các nữ nhà báo trong công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tích cực xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; đóng góp xây dựng phong trào, hoạt động Hội.