Đề xuất phương án phản biện giá đất ở TP.HCM theo từng khu vực
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa xây dựng 4 phương án điều chỉnh giá đất để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc điều chỉnh giá đất từng bị hoãn lại do vấp phải dư luận. Người dân tại TP.HCM có nhiều ý kiến xung quanh nội dung này.
Cần nhiều phương thức thẩm định giá
Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đề xuất lấy phương án 1. Đó là TP giữ nguyên, không điều chỉnh bảng giá theo Quyết định số 02/2020. Theo bà Hương, từ nay đến tháng 1/2026 còn đủ thời gian thẩm định giá đất cho phù hợp từng khu vực, từng vị trí.
Bà Hương đồng thời cho rằng, giá đất mới tăng cao hơn nên cần thời gian đủ dài để tuyên truyền, thông tin rộng rãi đến người dân, tránh tâm lý hoang mang, “gây sốc”. Bởi giá đất mới phải đảm bảo hài hòa lợi ích của 3 bên là: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Kiến nghị về phương pháp định giá đất, bà Hương cho rằng: “Nên thẩm định giá đất bằng nhiều phương thức để so sánh với nhau. Một việc có thể thực hiện hiệu quả là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức phản biện tại địa phương mình. Người dân từng khu vực, từng vị trí có điều kiện để phản biện về giá đất sẽ rất sát thực tế”.
Người dân cần quyền được lựa chọn
Đối với các phương án còn lại, ngành chức năng TP dự kiến sẽ lấy bảng giá theo Quyết định 02/2020 và nhân với hệ số điều chỉnh, hoặc lấy theo tình hình thực tế tại địa phương.
Nhận định về các phương pháp này, ông Mai Thành Hà (ngụ phường 7, Quận 5) bày tỏ băn khoăn vì lâu nay việc thu hồi đất liên quan đến các công trình công cộng vẫn nhận nhiều khiếu nại.
Theo ông Hà, 4 phương án đưa ra sẽ tạo ra 4 đáp số khác nhau, vấn đề là khi người dân lựa chọn phương án có lợi nhất thì liệu Nhà nước có đồng ý hay không: “Hay là Nhà nước dùng các quyết định hành chính để đưa ra phương án tối ưu nhất không phải cho người dân mà cho Nhà nước. Điều này cần được cơ quan chức năng xem xét, vì từ xưa đến nay khi các phương án đền bù được đưa ra thì người dân hầu như không có quyền được lựa chọn”.
Ông Trần Việt Trung (ngụ phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức) cho rằng, dù phương án nào thì cơ quan chức năng cũng cần thận trọng bởi những người đầu cơ có thể lợi dụng. Dẫn ví dụ về cuộc đấu giá đất ở Hà Nội mới đây, ông Trung lo ngại có sự thao túng để đẩy giá.
Do vậy, ông Trung đề nghị cần có thời gian, lộ trình thích hợp để điều chỉnh bảng giá đất tại TP.HCM: “Nhà nước nên từ từ, mỗi năm tăng bao nhiêu. Giả sử giá đất hiện nay là 60 triệu/m2 thì tăng lên 65, 67 triệu là cùng. Để cho người dân liệu cơm gắp mắm chứ đâu phải có sẵn tiền ngay được”.
Phương án 1 sẽ giữ nguyên, không điều chỉnh bảng giá đất theo Quyết định số 02 được ban hành đầu năm 2020.
Phương án 2 điều chỉnh bảng giá đất theo Quyết định 02 theo cách lấy giá đất trong bảng này nhân với hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) theo Quyết định 56.
Phương án 3 giá đất các tuyến đường dự kiến bố trí tái định cư sẽ điều chỉnh theo giá đất thực tế; với giá đất các tuyến đường theo Quyết định 02 thì nhân với hệ số K.
Phương án 4 là điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Căn cứ cơ sở dữ liệu giá đất hiện có được chắt lọc từ các nguồn như: Giá đất bồi thường, giá đất tái định cư, giá cụ thể đã được UBND các cấp phê duyệt, giá đất chuyển nhượng thực tế từ cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan thuế để cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất.