Đề xuất làm metro dọc tuyến đường kết nối Sân bay Gia Bình - Hà Nội
UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh thống nhất đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị dọc tuyến đường kết nối từ Sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội (đoạn trên địa bàn Hà Nội).
Ngày 17/2, Văn phòng UBND TP. Hà Nội ban hành Thông báo số 57/TB-VP về Kết luận của Phó chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn về phương án xây dựng tuyến đường nối Sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với Thủ đô Hà Nội trên địa bàn TP. Hà Nội.

Minh họa phối cảnh Sân bay Gia Bình.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với Thủ đô Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, phối hợp với tỉnh Bắc Ninh và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT-TEDI (đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao nghiên cứu phương án) nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường.
UBND TP. Hà Nội cơ bản thống về phương án tuyến kết nối từ Sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) về trung tâm TP. Hà Nội (đoạn tuyến trên địa phận TP. Hà Nội) - phương án 1 theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Tổng chiều dài toàn tuyến Bắc Ninh – Hà Nội 49,52 km, trong đó chiều dài đoạn tuyến qua địa phận Hà Nội 28,58 km (gồm 8,06 km đoạn tuyến làm mới; đoạn đi trùng cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên/vành đai 3, đường cầu Tứ Liên khoảng 20,54 km).
Dự án đồng bộ với định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được phê duyệt, đảm bảo kết nối với mạng lưới các tuyền đường giao thông đã được xác định trong các đồ án quy hoạch được duyệt như Vành đai 3, Quốc lộ 5, đường nối cầu Giang Biên - Vĩnh Tuy - Vành đai 2, đường Hà Huy Tập...
UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh thống nhất toàn tuyến từ Sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội có quy mô mặt cắt tuyến 100 m - 120 m (lựa chọn 120 m để phù hợp với quy mô tỉnh Bắc Ninh dự kiến điều chỉnh 142 m về 120 m) và mở rộng nghiên cứu không gian phát triển đô thị dọc hai bên đường từ 300 m – 400 m;
Đồng thời, thống nhất đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị dọc tuyến đường kết nối từ Sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội (đoạn trên địa bàn Hà Nội).