Đề xuất hai phương án xử lý trạm BOT T2
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải 2 phương án xử lý bất cập ở trạm thu phí T2 trên Quốc lộ 91, thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn từ Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT (gọi tắt là dự án).
Phương án 1 là di dời trạm T2 về phía TP Cần Thơ qua ngã ba Lộ Tẻ (giao Quốc lộ 80 với Quốc lộ 91) tại vị trí khoảng Km49+200 Quốc lộ 91. Sau khi cập nhật các chỉ tiêu tài chính, thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là 32 năm 7 tháng.
Nếu thực hiện phương án này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng sẽ giải quyết căn bản kiến nghị của Hiệp hội Vận tải An Giang và các chủ phương tiện lưu thông theo hướng đi từ Quốc lộ 80 (hướng từ tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp đi cầu Vàm Cống) qua trạm T2 về tỉnh An Giang và ngược lại.
Tuy nhiên, phương án trên cũng có nhược điểm bởi việc di dời trạm T2 đến vị trí mới sẽ ảnh hưởng các hộ dân liên quan do phải di dời để giao đất xây dựng trạm; tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến tình hình chung của các dự án BOT trong cả nước và chủ trương chung về kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư.
Mặt khác, di dời trạm T2 sẽ phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng trạm mới khoảng 38 tỉ đồng với thời gian hơn 1 năm. Và 1 năm sau đó, dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên dự kiến đưa vào sử dụng. Lưu lượng xe hướng Quốc lộ 80, cầu Vàm Cống, TP Cần Thơ đi Long Xuyên và ngược lại có thể không đi qua trạm thu phí tại vị trí Km49+200 Quốc lộ 91. Do đó, Tổng cục Đường bộ nhận định việc di chuyển trạm thu phí sẽ lãng phí.
Phương án 2 là giữ nguyên trạm thu phí T2 và giảm giá phương tiện lân cận, thời gian hoàn vốn dự kiến sẽ là 26 năm 1 tháng. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng phương án này sẽ tổ chức thu phí lại được ngay, số thu phí cơ bản bảo đảm so với phương án tài chính, thời gian thu phí không bị kéo dài và không gây lãng phí sau khi tuyến tránh TP Long Xuyên dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng lo ngại vấp phải sự phản đối của các tài xế. Đó là các chủ phương tiện đi theo hướng từ Quốc lộ 80 (hướng từ tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp) qua trạm thu phí T2 về tỉnh An Giang và ngược lại. Nhất là đối với các phương tiện không nằm trong diện được miễn giảm giá, chỉ sử dụng khoảng 1,2 km để đi lên cầu Vàm Cống nhưng phải trả tiền phí cho cả dự án.
Không nhận trạm thì trả tiền
Trước đó, ông Trần Như Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị hỗ trợ công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT Quốc lộ 91 (gồm 2 trạm thu phí T1 và T2 nằm trên địa bàn TP Cần Thơ).
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.720 tỉ đồng. Từ năm 2016 đến ngày 31-5-2019, chủ đầu tư đã thu phí được gần 495,8 tỉ đồng nhưng các khoản chi lên đến hơn 595 tỉ đồng. Ngày 19-5 vừa qua, cầu Vàm Cống khánh thành, nhiều tài xế qua trạm T2 liên tục phản ứng nên từ ngày 25-5, trạm T2 dừng thu phí cho đến nay khiến doanh thu sụt giảm, nếu không có phương án xử lý sớm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền hoàn vốn và kế hoạch trả nợ ngân hàng.
Vì vậy, công ty kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có phương án nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư cho nhà đầu tư. Trường hợp không nhận lại dự án, nhà đầu tư đề nghị có phương án hỗ trợ Dự án phần chi phí giải phóng mặt bằng (khoảng 400 tỉ đồng) và chi phí xây dựng Quốc lộ 91 (khoảng 480 tỉ đồng). Dự án chỉ thu phí tại trạm T1 để hoàn vốn chi phí đầu tư.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/de-xuat-hai-phuong-an-xu-ly-tram-bot-t2-20190702214543008.htm