Để thống nhất được 4.000 trang EVFTA: Dấu ấn từ các vận động chính trị - ngoại giao
'Tấm huy chương' mang tên EVFTA và EVIPA đã cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam...
"Tấm huy chương" mang tên EVFTA và EVIPA đã cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong việc thúc đẩy, vận động chính trị - ngoại giao để đi đến dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam – EU.
Ngày 30/6/2019 là thời khắc lịch sử quan trọng của cả Việt Nam và EU, chứa đựng những cơ hội hợp tác to lớn song cũng rất nhiều thách thức khi kết thúc 9 năm đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa hai bên.
Mặc dù, hai hiệp định vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi phê chuẩn mới chính thức có hiệu lực song theo ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cùng với Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) 2012, EVFTA và EVIPA đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU.
Bước chuyển quan trọng
"Hợp tác kinh tế - thương mại song phương đã chuyển từ chỗ cơ bản là Việt Nam nhận hỗ trợ của EU để phát triển, xóa đói, giảm nghèo và chuyển đổi nền kinh tế sang quan hệ đối tác hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các cam kết của một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới", Thứ trưởng nhận định.
Theo tính toán, EVFTA và EVIPA sẽ mở ra những cơ hội to lớn để hai bên khai thác tối đa tiềm năng và sự bổ trợ cho nhau, đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững, từ đó góp phần làm sâu sắc và tạo đan xen lợi ích lâu dài giữa hai bên. Hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025; GDP của EU ước tính sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu tăng 29% vào năm 2035.
Tuy vậy, để đạt được những lợi ích kinh tế rất cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế của các quốc gia, các cơ quan Việt Nam và EU đã phải hết sức nỗ lực trong quá trình đàm phán, thống nhất hiệp định với gần 4.000 trang nội dung liên quan tới nhiều vấn đề như thuế quan, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm...
"Đặc biệt, kể từ sau khi chính thức hoàn tất rà soát pháp lý đối với EVFTA vào tháng 6/2018 để tiến tới ký kết, quá trình phối hợp giữa hai bên là không đơn giản", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay.
Đó là EU phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề nội bộ quan trọng như Brexit, chuẩn bị cho bầu cử Nghị viện châu Âu vừa diễn ra tháng 5/2019. EU cũng có quy định hết sức chặt chẽ về ký kết các thỏa thuận thương mại quốc tế, chẳng hạn như EVFTA phải được dịch sang ngôn ngữ của toàn bộ 28 nước thành viên để các nước tiến hành rà soát ngôn ngữ-pháp lý và nội dung văn kiện.
Đây là quy trình bắt buộc và đỏi hỏi rất nhiều thời gian. Và cuối cùng là việc thông qua quyết định ký các hiệp định đòi hỏi sự đồng thuận của đa số các nước thành viên. Đối với Hiệp định EVIPA, để được ký kết còn cần có sự ủng hộ của toàn bộ 28 nước thành viên EU.
Liên tục các cuộc gặp, trao đổi cấp cao
Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực trao đổi với các cơ quan của EU để thúc đẩy việc sớm ký kết các hiệp định.
Theo đó, nội dung về EVFTA và EVIPA đã được nêu đậm trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ, trao đổi, làm việc của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với lãnh đạo các nước và các cơ quan EU từ cuối năm 2018 đến nay, đặc biệt trong khuôn khổ các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Liên minh châu Âu và dự "Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 12", tới Rumani, Cộng hòa Séc và Thụy Điển; chuyến thăm Pháp, Bỉ và EU của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chuyến thăm Hy Lạp, Rumani, Bungari, Anh, Đức của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các hoạt động tiếp xúc, trao đổi của Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ với Thủ tướng Hà Lan, Thủ tướng Italia, các đoàn cấp Chính phủ và Bộ trưởng các nước Anh, Đức, Lítva, Italia... thăm Việt Nam.
"Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng được Thủ tướng Chính phủ cử làm Đặc phái viên đi trao đổi với Rumani, Chủ tịch luân phiên EU và một số đối tác quan trọng, đồng thời tích cực trao đổi, vận động nhiều thành viên EU bên lề các hoạt động đa phương và song phương như tại các hội nghị của Diễn đàn ASEM, G20, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU, các cuộc tham vấn chính trị với các nước EU, các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với các Đại sứ, doanh nghiệp EU tại Hà Nội...
Phái đoàn ta tại Bỉ và EU và các Đại sứ quán ta tại các nước thành viên EU cũng triển khai mạnh mẽ việc trao đổi, phối hợp với EU trong gần một năm qua để đẩy nhanh quá trình xem xét, đi đến ký kết hai hiệp định", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, các cơ quan của Việt Nam và EU cũng thường xuyên tiến hành các cuộc đối thoại về các vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt trong khuôn khổ Phiên họp lần thứ nhất Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-EU về triển khai Hiệp định PCA tại Hà Nội (tháng 5/2019), Đối thoại nhân quyền lần thứ 8 giữa Việt Nam và EU tại Brussel, Bỉ (tháng 3/2019), các kênh đối thoại chuyên ngành giữa EU và các Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
Theo Bộ Ngoại giao, đây là cơ sở quan trọng để hai bên giải quyết các vấn đề nảy sinh trong tiến trình đi đến thống nhất ký kết EVFTA và EVIPA.