Đề tài học trò: Nỗi lo phim chiếu mạng

Gần đây, một số phim trên mạng về đề tài học trò có tính bạo lực, phản cảm ảnh hưởng không tốt tới khán giả, đặc biệt là giới trẻ.

Thực tế cho thấy, phim về tuổi học trò đã xuất hiện nhiều trên màn ảnh. Nhiều bộ phim đã chiếm được cảm tình của khán giả bởi tính nhân văn, thông điệp nghệ thuật. Có thể kể đến phim Áo trắng sân trường dựa theo tiểu thuyết Nữ sinh của Nguyễn Nhật Ánh. Không có những mối tình tay ba nghiệt ngã, không có cảnh ngộ éo le bất trắc, không đem tình yêu vào mối quan hệ “thầy - trò”, bộ phim giữ lại cho lứa tuổi mộng mơ nét trinh nguyên dễ thương và chút rung động đầu đời, tạo nên vẻ hồn hậu.

Cảnh trong một phim chiếu mạng về đề tài học trò.

Anh thợ may và chị Đại cũng là phim ăn khách, xoay quanh cậu học trò cấp 3 tên Hải, là thợ may nghiệp dư chuyên sửa quần áo để trang trải cuộc sống, học phí. Noel đầu tiên lại gây “sốt” khi kể câu chuyện mùa Giáng sinh của 4 cô cậu học trò thân thiết, vốn dành cho nhau những tình cảm hồn nhiên, trong sáng, được vẽ ra với nhiều cảm xúc vui buồn giận hờn. Chiến dịch trái tim bên phải là bộ phim xây dựng một hình ảnh cô giáo hiện đại và duyên dáng. Hình ảnh những cô cậu học trò mới lớn, chập chững chạm tới hơi thở hiện đại với những cụm từ như: thần tượng, nhạc rock, xe đạp teen...

Ngoài ra, nhiều bộ phim đặc sắc về tuổi học trò như Bộ tứ 10A8, Kính vạn hoa, Nhật ký Vàng Anh, Chít và Pi, Thứ ba học trò, Cổng mặt trời, Vĩnh biệt mùa hè, 12A và 4H, Phía trước là bầu trời, Xin hãy tin em, Nước mắt học trò, Phía trước là bầu trời, Những thiên thần áo trắng... cũng đã để lại dấu ấn với người xem các thế hệ.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, không ít phim về đề tài “nhất quỷ, nhì ma” có yếu tố bạo lực, phản cảm được trình chiếu trên nền tảng mạng đã xuất hiện. Bạn gái tôi trùm trường có nhiều cảnh “cô trùm trường” cởi áo khoe thân, khoe ngực, mặc mỗi đồ lót. Còn chuyện những cảnh quay học sinh đi ăn nhậu, uống bia cả thùng, tổ chức hỗn chiến đánh nhau vì tranh giành bạn gái…nhiều vô kể. Lớp trưởng lớp tôi là đại ca lại kể về cậu học sinh tên Chiến, sinh trưởng trong một gia đình có “máu mặt” trong giới giang hồ. Trong phim này, nhân vật cô giáo diện váy ngủ ren khoe vòng 1 gợi cảm khi dạy thêm tại nhà cho nam sinh cô thích; nhân vật thầy giám thị nhận làm tay trong cho nhân vật chính sau khi được dạy cho cách… “cưa” gái.

Ngoài ra, nhiều phim ngắn trên mạng thời gian qua về tuổi học trò, ở không gian học đường đã được giới thiệu tới khán giả, với những tên gọi na ná nhau: Cô giáo tôi là trùm cuối, Thiếu gia đi học, Đại ca đi học, Con nhà giàu đi học, Giang hồ đi học, Đại ca giang hồ học đường, Trùm trường đại chiến… có điểm chung, đó là các bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường với tóc tai nhuộm màu nổi, mặt mũi lúc nào cũng đằng đằng sát khí, thường xuyên chửi thề, gọi bạn bè bằng những ngôn từ chợ búa. Các phim chiếu mạng này thường xuyên có những cảnh đánh nhau, xây dựng nhiều phe nhóm học sinh với sự hận thù cá nhân. Những hình ảnh liên quan đến việc học hành, bài vở trong phim rất hiếm, đa số chỉ xoay quanh các màn đánh đấm. Thậm chí, một số phim còn đưa ra những hình ảnh như uống nước rồi phun vào mặt bạn, đổ sữa lên đầu, xô vào xe rác, hoặc trấn lột tiền, quà bánh; mạnh tay hơn thì đánh vào mặt, đấm đá túi bụi cho đến khi máu me đầy người.

Nhiều khán giả cho rằng, không ít phim học đường trên mạng đang dẫn dắt người xem, đặc biệt là giới trẻ đến với những điều tiêu cực và bạo lực. Theo TS.tâm lý Hoàng Oanh, các cơ quan chức năng nên rà soát lại những phim kiểu này chiếu trên mạng để có biện pháp xử lý, yêu cầu cắt bỏ những tình tiết chưa đúng chuẩn mực. Ngoài ra, việc xử phạt những trường hợp vi phạm, tiếp tay cổ súy bạo lực nên được làm mạnh tay. Với khán giả, mọi người cần nâng cao nhận thức để tránh những “virus độc hại” mà những tác phẩm trôi nổi trên mạng xã hội đem tới.

Ngọc Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/de-tai-hoc-tro-noi-lo-phim-chieu-mang-n181440.html