Để SV trường kỹ thuật năng nổ tham gia hoạt động Đoàn đang là thách thức lớn
Theo Bí thư Đoàn Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN), việc làm thế nào để sinh viên trường kỹ thuật tham gia tích cực hoạt động Đoàn là thách thức lớn.
Tiến sĩ Trần Cường Hưng (sinh năm 1988) hiện là giảng viên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đảm bảo chất lượng, Bí Thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Tính đến thời điểm hiện tại, thầy Hưng có hơn 5 năm làm công tác Đoàn. Trong thời gian đó, thầy Hưng được nhận nhiều bằng khen của Trung ương Đoàn, Thành đoàn Hà Nội, Ban Chấp hành Đoàn Thành phố Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong số, thầy Hưng chia sẻ rằng, Bằng khen từ Trung ương Đoàn là một dấu mốc nổi bật nhất, thể hiện sự công nhận, đánh giá cao đối với những đóng góp của bản thân thầy cho nhà trường và cộng đồng xã hội.
Đánh giá về vị trí, vai trò của công tác đoàn trong trường đại học nói chung, Trường Đại học Công nghệ nói riêng, thầy Hưng chia sẻ: “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong trường đại học có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường học tập tích cực và phát triển toàn diện cho sinh viên cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của trường.
Mỗi hoạt động Đoàn tổ chức phải mang lại sự phát triển đa chiều cho đoàn viên. Tại Trường Đại học Công nghệ, hoạt động Đoàn là “cầu nối” giữa sinh viên và nhà trường, giúp đoàn viên nâng cao ý thức và trách nhiệm xã hội, tạo dựng môi trường lành mạnh, đặc biệt khuyến khích, hỗ trợ học tập, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo”.
Được gắn bó với hoạt động Đoàn là một cơ duyên lớn đối với thầy Hưng. Thầy Hưng chia sẻ, bản thân không giống như hầu hết các bí thư đoàn trường khác khi được tham gia công tác Đoàn từ lúc học trung học phổ thông, đại học hay trưởng thành nhờ hoạt động Đoàn.
Với thầy Hưng, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông thì sang Pháp học tập cho tới năm 2019. Tại Pháp, không có tổ chức Đoàn trong trường đại học. Tuy nhiên, thầy Hưng cũng tích cực tham gia và tổ chức hoạt động cộng đồng cho sinh viên Việt Nam tại Pháp (như tổ chức hội thảo, chương trình văn nghệ, đánh giá, nhận xét và gợi ý giải pháp sửa đổi CV xin việc, phỏng vấn thử, đón Tết Âm lịch). Từ những trải nghiệm này đã giúp thầy Hưng có cái nhìn sâu rộng và đa chiều về văn hóa cũng như phát triển những kỹ năng tổ chức và quản lý.
Trong thời gian hơn 5 năm làm công tác Đoàn, thầy Hưng có nhiều kỷ niệm, khoảnh khắc đáng nhớ. Những kỷ niệm này không chỉ giúp thầy Hưng trưởng thành hơn trong cuộc sống mà còn mang lại cảm giác tự hào khi được đóng góp xây dựng cộng đồng. Đáng nhớ nhất với thầy Hưng là dịp tham gia chiến dịch Tình nguyện hè, Mùa đông ấm vùng cao.
“Được trực tiếp trao suất quà, sách vở, đôi tất, chiếc chăn hay được gặp gỡ và trò chuyện với bà con ở nơi còn khó khăn, điều kiện khắc nghiệt đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc khó quên. Đặc biệt, mỗi khi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của những em bé, gia đình có hoàn cảnh khó khăn là nguồn động viên to lớn giúp tôi nhận ra giá trị của việc chia sẻ yêu thương. Công tác Đoàn đã cho tôi thấy rằng không chỉ giới hạn trong việc tổ chức các hoạt động, sự kiện mà còn là quá trình học hỏi, trưởng thành, tìm ra giá trị của bản thân trong việc phục vụ cộng đồng”, thầy Hưng chia sẻ.
Với thầy Hưng, làm Bí thư Đoàn mang lại nhiều trải nghiệm nhưng cũng không ít thách thức. Trước tiên, làm Bí thư Đoàn giúp thầy Hưng phát triển kỹ năng mềm, lãnh đạo, tổ chức, giao tiếp và giải quyết vấn đề; được mở rộng mạng lưới quan hệ (không chỉ giảng viên, cán bộ, sinh viên trong trường mà còn đối với nhiều trường đại học xung quanh, đặc biệt là các trường thành viên và trực thuộc của Đại học Quốc gia Hà Nội). Làm công tác Đoàn cũng giúp thầy Hưng có cơ hội hiểu biết sâu sắc về nhu cầu, mong muốn của sinh viên, từ đó đề xuất và thực hiện các giải pháp hữu ích, nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn, giáo dục đào tạo.
Song, Bí thư Đoàn cũng phải đối mặt với những khó khăn. Bởi, cùng một lúc, thầy Hưng vừa tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vừa đảm nhận vai trò phụ trách Trung tâm Đảm bảo chất lượng nên cũng khiến thầy áp lực về thời gian, khối lượng công việc và cách thức quản lý, nhất là những khi có nhiều sự kiện diễn ra cùng lúc.
“Các công việc của của một Bí thư Đoàn đòi hỏi phải đảm bảo hoạt động diễn ra hiệu quả, mang lại nhiều giá trị cho sinh viên. Ngoài ra, việc duy trì sự tham gia và tạo động lực cho đoàn viên không phải lúc nào cũng dễ dàng đặc biệt là các bạn học trường kỹ thuật - luôn được coi là con người khô khan. Điều này đòi hỏi tôi và các đồng chí chủ chốt trong Ban Chấp hành, Liên chi Đoàn, Liên chi Hội và các Câu lạc bộ thuộc trường phải linh hoạt và sáng tạo trong tổ chức hoạt động.
Ngoài ra, việc xây dựng, duy trì và phát triển đội ngũ cán bộ đoàn chủ chốt cũng là một nhiệm vụ không dễ dàng đối với Bí thư Đoàn”, thầy Hưng bày tỏ.
Trong tất cả những khó khăn, thầy Hưng khẳng định, việc làm thế nào để sinh viên trường kỹ thuật tham gia tích cực hoạt động Đoàn là một thách thức lớn. Bởi, có những đoàn viên chưa nhận thức rõ ràng về lợi ích và giá trị là hoạt động Đoàn mang lại. Có sinh viên coi những hoạt động Đoàn là không quan trọng hoặc không trực tiếp góp phần vào sự phát triển cá nhân hoặc nghề nghiệp của bản thân.
Thêm nữa, áp lực học tập của sinh viên cũng là lý do khiến thời gian và năng lượng dành cho việc tham gia hoạt động ngoại khóa bị hạn chế, hoặc thường phải cân nhắc rất kỹ lưỡng rồi mới tham gia. Bên cạnh đó, một số sinh viên có thể đang ưu tiên phát triển kỹ năng chuyên môn thông qua việc tham gia khóa học trực tuyến, có nhiều lựa chọn về hoạt động giải trí và đặc biệt là game khiến cho hoạt động Đoàn càng khó khăn hơn trong thu hút sinh viên.
Ngoài ra, trường đại học có sinh viên đến từ nhiều vùng miền, có nền văn hóa, quan điểm và sở thích khác nhau. Do vậy, không phải tất cả sinh viên đều tìm thấy sự hứng thú, ý nghĩa từ các hoạt động Đoàn.
Để khắc phục những thách thức đó, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Công nghệ cho rằng, trước tiên cần tăng cường sự tham gia của sinh viên trong quá trình lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động Đoàn nhằm giúp đảm bảo các hoạt động này phản ánh sở thích và nhu cầu của sinh viên, từ đó tăng cường sự tham gia của sinh viên.
Thứ hai, cần đa dạng hóa các hình thức hoạt động Đoàn. Các hoạt động phải đa dạng từ văn hóa, nghệ thuật, thể thao đến các buổi học tập và phát triển kỹ năng, nhằm thu hút sự quan tâm của số lượng lớn sinh viên trong trường đại học.
Thứ ba, các hoạt động Đoàn cần tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức bên ngoài trường để tìm kiếm nguồn tài trợ, cơ hội học tập, và các dự án thực tế cho sinh viên. Từ đó tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên áp dụng kiến thức và kỹ năng đã học vào thực tiễn.
Cuối cùng, cần tăng cường sự hỗ trợ của giảng viên, cán bộ cấp liên chi hội trong việc hướng dẫn, tư vấn và tham gia vào hoạt động Đoàn.
Một số thành tích xuất sắc của Tiến sĩ Trần Cường Hưng – Bí thư Đoàn Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vì thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học năm học 2020-2021; Bằng khen của Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội vì thành tích xuất sắc trong triển khai và tổ chức các hoạt động tháng Thanh niên năm 2021.
Năm 2022, nhận Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho các tập thể và cá nhân có đóng góp xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2017-2022.
Nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội đạt danh hiệu “Cán bộ đoàn Thủ đô tiêu biểu năm 2022”.
Nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến dịch “Thanh niên tình nguyện Hè năm 2023”.
Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho cá nhân “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học, năm học 2022-2023”.