Để nông sản Việt chinh phục thị trường 1,5 tỷ người

Với nhiều ưu điểm như thị trường lớn với quy mô gần 1,5 tỷ người, có biên giới gần giúp việc vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, Trung Quốc là thị trường nhiều tiềm năng cho nông sản Việt. Với độ khó tính tăng dần lên, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) phải thay đổi sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn.

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam - Vinanutrifood Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, hiện, DN đã XK chính ngạch sản phẩm cà phê trái cây hòa tan và trà rau hòa tan được chế biến sâu từ rau cần tây, các loại rau xanh sang thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực đa dạng mặt hàng của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Herbs cho biết, thời gian qua, qua các cuộc xúc tiến thương mại và đi hội chợ trực tiếp tại Quảng Châu (Trung Quốc) cho thấy DN Trung Quốc quan tâm rất nhiều tới trà thảo mộc của Việt Nam nên cơ hội hợp tác và đẩy mạnh XK sản phẩm này sang thị trường Trung Quốc là rất lớn. "XK trà thảo mộc sang Trung Quốc cũng là hướng mà DN đang triển khai," bà Nga cho hay.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, sau 4 tháng Trung Quốc khôi phục thông quan kể từ đầu năm 2023, kim ngạch XK rau quả đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Hiện Việt Nam có 12 mặt hàng rau củ XK chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có 4 mặt hàng đã ký Nghị định thư: sầu riêng, chuối, khoai lang, măng cụt. Mặt hàng sầu riêng, chuối hiện phát triển rất mạnh, cho thấy Nghị định thư rất quan trọng với các hàng rau củ quả. Do vậy, đề xuất Chính phủ thúc đẩy ký kết nghị định thư cho 8 mặt hàng còn lại để tạo thuận lợi cho DN phát triển ổn định, bền vững.

Ngoài ra, ông Nguyên đề xuất nên tiến tới ký nghị định thư cho XK dừa. Ngoài ra, để tạo sự đột phá về tiêu thụ sầu riêng tại thị trường Trung Quốc, cũng như tăng kim ngạch XK trong năm 2023 và các năm tiếp theo, đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam đẩy mạnh đàm phán với phía Trung Quốc cấp phép thêm nhiều mã vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói...

Theo ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương dự báo, trong quý II/2023, kim ngạch XK của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định. Trong bối cảnh nhiều thị trường XK của Việt Nam sụt giảm sâu nhưng Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chủ lực đa dạng mặt hàng của Việt Nam, gần gũi về địa lý, thuận tiện trong thông thương.

Theo ông Lương Văn Tài, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), một số chính sách, quy định, xu hướng thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Cụ thể, tháng 4/2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc ban hành "Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương", trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi "Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới" nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy triển khai các chính sách trước đây cũng như đưa ra nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng ngoại thương.

Trên thực tế, XK vào thị trường Trung Quốc triển vọng lớn nhưng đi cùng với đó là những thách thức lớn. Bởi, đến nay thị trường Trung Quốc không còn "dễ tính" trong nhập khẩu các mặt hàng, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Để XK thuận lợi, DN cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa, thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm định về an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, đóng gói nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao mẫu mã bao bì phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, DN cần thúc đẩy việc XK chuyển dần sang chính ngạch cũng như chuyển đổi sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Đối với các DN ngành rau quả nghiên cứu khả năng đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với DN Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến rau quả, một mặt nâng cao hàm lượng giá trị XK, một mặt bắt kịp xu thế thị trường trái cây và rau quả chế biến không ngừng tăng trong những năm trở lại đây. Các hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục nắm bắt thông tin diễn biến tình hình trên thế giới để có những dự báo đối với DN sản xuất.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/de-nong-san-viet-chinh-phuc-thi-truong-1-5-ty-nguoi-i692080/