Đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết khẩn cấp phòng chống COVID-19
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết khẩn cấp về phòng chống đại dịch COVID-19, ông cho rằng đây sẽ là quyết định mang tính lịch sử.
Nêu ý kiến tại hội trường sau khi nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nghị quyết khẩn cấp về phòng chống đại dịch COVID-19.
Theo vị đại biểu đoàn Hà Nội, dịch bệnh hiện phức tạp về diễn biến, khó lường về mức độ gây hại, khó biết về tác nhân gây bệnh mới do liên tục biến đổi. Trong gần 2 tháng, số ca bệnh tại Việt Nam đã lên tới hơn 50.000 người. Ông Trí cho rằng COVID-19 khó có thể sớm chấm dứt ở Việt Nam và trên toàn cầu.
"Nhưng hiện nay, Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước chưa có bất cứ văn bản chính thức, độc lập nào về phòng chống dịch COVID-19", vị đại biểu cho hay.
GS Nguyễn Anh Trí khẳng định, nhân dân cần nghị quyết của Quốc hội để đồng lòng, quyết tâm hơn trong việc chống dịch. Địa phương cần nghị quyết của Quốc hội để đoàn kết, tự tin, vững vàng hơn để chống dịch hiệu quả.
"Tôi tin rằng đây sẽ là quyết định mang tính lịch sử, thể hiện quyết tâm chính trị của Quốc hội trong công cuộc chống dịch tại Việt Nam", vị đại biểu Hà Nội cho hay.
Đại biểu Trí cũng bày tỏ ông hụt hẫng khi luật Khám chữa bệnh sửa đổi lại bị đưa ra khỏi chương trình, giao lại cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu.
"Tôi tin rằng Quốc hội cần giải thích về lý do đưa ra khỏi chương trình bộ luật này", ông Trí nói đồng thời đề nghị sửa đổi luật Bảo hiểm y tế và luật Khám chữa bệnh.
Lý do mà đại biểu đưa ra là hoạt động khám chữa bệnh hiện thay đổi rất nhiều. Thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, mổ xẻ có thể thực hiện bằng máy móc, các bác sỹ hiện có thể kê đơn từ xa mà không cần ngồi cạnh bệnh nhân.
Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh viện của ông đã triển khai hình thức khám chữa bệnh từ xa từ hơn 1 năm nay nhưng gặp rất nhiều khó khăn do vấn đề này chưa được quy định trong luật.
"Bộ Y tế đã cố gắng ban hành thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên vì không có trong luật nên gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện, áp dụng trên diện rộng. Đơn cử như việc cho phép khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc, bác sỹ được chịu trách nhiệm về đơn thuốc này cũng như quyền lợi của bệnh nhân khi khám chữa bệnh từ xa", ông Hiếu cho hay.