Để nghề không bỏ làng
Nghề truyền thống, sau một thời gian dài cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, vẫn khẳng định sức sống bền bỉ của mình. Những nỗ lực để nghề không bỏ làng của các cấp chính quyền, cộng với chính sự đầu tư, học hỏi không ngừng của những 'nghệ nhân làng' đã giúp nghề tìm lại chỗ đứng.
Các làng nghề, nghề truyền thống giữ vị trí quan trọng trong phát triển tiểu thủ công nghiệp của tỉnh và góp phần không nhỏ trong việc tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, do chậm cải tiến, thiếu đầu tư, đến nay, nhiều làng nghề vẫn còn hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún và sản xuất chủ yếu là thủ công. Do ít được hỗ trợ vốn nên sản phẩm chưa đa dạng, phong phú, không thể cạnh tranh với những sản phẩm khác. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến đầu ra gặp khó và ngày càng bị thu hẹp.
Thổ cẩm Lăng Can nức tiếng một thời không chỉ bởi vẻ đẹp của những hoa văn tinh xảo mà nó còn được dệt nên từ đôi bàn tay chuyên cần, khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Tày. Tuy nhiên, hiện nay nghề dệt thổ cẩm ở Lăng Can, cũng như ở nhiều xã khác của huyện vùng cao Lâm Bình đang đứng trước nguy cơ mai một. Mặc dù ở nhiều nơi, những khung cửi truyền thống vẫn được đặt trang trọng dưới những nếp nhà sàn, nhưng tiếng lách cách dệt vải đã không còn vang vọng.
Bà Chẩu Thị Hành, thôn Nặm Đíp vừa ngồi dệt nốt tấm thổ cẩm đã bỏ lỡ từ vài tháng nay, vừa nhớ lại: Theo truyền thống của người Tày ở vùng đất này, thì trước khi đi lấy chồng người con gái Tày phải dệt được những tấm chăn thổ cẩm để làm quà cưới biếu cha, mẹ, người thân bên nhà chồng. Câu chuyện gánh cả chục chiếc chăn bông đi bộ về nhà chồng là câu chuyện của những người phụ nữ thời của bà. Giờ phong tục này không còn nữa, nhưng nhiều nhà vẫn giữ khung cửi, thi thoảng dệt những vuông màu sặc sỡ để thay chiếc chăn bông đã cũ.
Lăng Can giờ lên phố, nhưng nghề dệt truyền thống vẫn len lỏi tìm chỗ đứng. Chị Nguyễn Thu Thạch, Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn cho biết, chị em phụ nữ trong xã vẫn đau đáu với nghề lắm. Một phần vì truyền thống không ai muốn nó biến mất, một phần vì Lăng Can, cùng với nhiều xã khác của huyện đang trở thành điểm đến của khách du lịch. Nhưng nếu chỉ đơn thuần dệt chăn, đẹp thì có đẹp thật, nhưng không mấy khách hàng muốn dùng nữa. Chị em cũng muốn tăng thêm thu nhập từ chính những sản phẩm dệt của mình, như một cách để khoe những nét đẹp làng quê, khoe sự khéo léo của phụ nữ Tày với khách thập phương.
Đầu năm 2021, Hội phụ nữ thị trấn Lăng Can thành lập tổ dệt thổ cẩm truyền thống với 6 thành viên ở thôn Nặm Đíp, cùng với một tổ dệt thổ cẩm truyền thống ở xã Thượng Lâm. Khác với tổ dệt ở Thượng Lâm, tổ dệt ở Lăng Can thay sợi dệt từ len bằng sợi chỉ, khung cửi cũng được cải tiến lại gọn nhẹ hơn, phù hợp với nguyên liệu mới để dệt được nhanh hơn.
Từ nỗ lực khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Lâm Bình cũng được thành lập với hơn 20 thành viên ở Thượng Lâm, Thổ Bình và Lăng Can tham gia. Chị Ma Thị Soa, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, mong muốn lớn nhất của chị em trong hợp tác xã là ngoài câu chuyện của bảo tồn, truyền nghề nữa, thì phải tính đến câu chuyện thu nhập từ nghề.
Hiện, Lâm Bình sẽ tập trung kết nối với một số doanh nghiệp thu mua các sản phẩm dệt của Hợp tác xã. Đồng thời, chị em trong hợp tác xã cũng chủ động tìm kiếm mẫu mã một số sản phẩm như vỏ gối, áo, khăn để làm quà tặng cho khách du lịch.
Không chật vật như nghề dệt thổ cẩm ở nhiều địa phương, nghề rèn đã tìm được đất sống nhờ chính nỗ lực của những người thợ thủ công, và cả cách thức họ giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra ngoài thị trường.
Những sản phẩm rèn thủ công của cơ sở rèn Đức Thắng Km 23 là thương hiệu rèn thủ công có tiếng ở vùng đất Hàm Yên. Người thợ rèn Đinh Lệnh Đức là đời thứ 3 theo nghề, giữ nghề và phát triển nó. Trước khi có thương hiệu “Đức Thắng Km 23”, thương hiệu rèn của gia đình được biết đến với thương hiệu rèn gia truyền “Ông cụ Thắng” (tức ông Đinh Lệnh Thắng, bố anh Đức). Anh Đinh Lệnh Đức cho biết, có một thời gian, những sản phẩm truyền thống của gia đình phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại nhưng sản xuất công nghiệp trên thị trường. Nhưng trên hết, chính chất lượng sản phẩm và uy tín của những người làm nghề đã giữ cho nghề phát triển được đến bây giờ.
Không chỉ lấy uy tín, chất lượng để chinh phục người tiêu dùng, kỳ công hơn, anh Đức lập một Website, đồng thời mở thêm các gian hàng trên các trang thương mại điện tử như Shoppee, để giới thiệu các sản phẩm và giúp khách hàng ở xa đặt hàng được dễ dàng hơn. Anh Đức cho biết, giờ ngoài lượng khách ở trong huyện, anh đã có thêm nhiều khách hàng quen ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
Có thể thấy, giá trị của một làng nghề không dừng lại ở ý nghĩa kinh tế, mà còn là giá trị văn hóa gắn với nét đẹp truyền thống ở vùng nông thôn. Cùng với các chính sách hỗ trợ, bảo tồn lưu giữ nghề truyền thống, thì chương trình Mỗi xã một sản phẩm cũng đang là cú huých để các nghề, làng nghề truyền thống giữ được “lửa nghề”. Nhiều làng nghề đã được hồi sinh từ chính sự trợ lực kịp thời này, như nghề sản xuất tơ tằm ở Tân Long (Yên Sơn); nghề dệt thổ cẩm ở Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình, Hàm Yên; nghề làm bún Tày truyền thống ở Na Hang, Lâm Bình; nghề nấu rượu men lá ở Na Hang, Lâm Bình, Yên Sơn; nghề chế biến chè ở Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương…