Để ngành thủy sản phát triển bền vững

Để xuất khẩu hải sản một cách bền vững thì Việt Nam sẽ phải tiếp tục thực hiện 9 khuyến nghị của EU

Bộ Công thương ước tính, tháng 5/2019 xuất khẩu thủy sản đạt 176 nghìn tấn, trị giá 750 triệu USD, giảm 0,33% về lượng và giảm 1,64% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản giảm 1,82% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 748,2 nghìn tấn, trị giá 3,173 tỷ USD.

Để xuất khẩu hải sản một cách bền vững thì Việt Nam sẽ phải tiếp tục thực hiện 9 khuyến nghị của EU

Để xuất khẩu hải sản một cách bền vững thì Việt Nam sẽ phải tiếp tục thực hiện 9 khuyến nghị của EU

Dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN... sẽ tăng, nhưng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Việc Hoa Kỳ tăng thuế đối với thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có tác động lớn đến xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc. Do đó, các sản phẩm thủy sản của Trung Quốc sẽ quay trở lại phục vụ thị trường nội địa, đặc biệt là mặt hàng cá rô phi. Điều này có thể sẽ tác động đến nhu cầu nhập khẩu cá tra của Trung Quốc.

Trung Quốc đã phê duyệt cho 33 mặt hàng thủy sản của Việt Nam được miễn thuế khi xuất khẩu vào Trung Quốc qua cửa khẩu Hà Khẩu, trong đó bao gồm nhiều mặt hàng thủy sản thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Trung Quốc đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch chất lượng hàng hóa quy mô lớn tại khu vực giáp biên với trang thiết bị hiện đại, có năng lực kiểm định không thua kém các cơ sở của nước phát triển khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU....

Theo kế hoạch, từ ngày 1/10/2019, các lô hàng thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải có chứng thư xuất khẩu đi kèm. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý đến phương thức sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể, cần lưu ý các yêu cầu mới về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như các quy định, tiêu chuẩn về bao bì, đóng - ghi nhãn hàng hóa và mã vạch vùng miền để xuất khẩu bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Đối với tôm, xuất khẩu sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường và giá sẽ tiếp tục ở mức thấp. Do từ đầu năm 2019 đến nay thời tiết khá thuận lợi, nguồn cung tôm từ các nước nuôi tôm có sản lượng lớn như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia Thái Lan... đều tăng so với cùng kỳ năm 2018. Từ tháng 6/2019 nguồn cung tôm cung cấp ra thị trường toàn cầu sẽ tăng mạnh do các nước sản xuất lớn vào vụ thu hoạch như: Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc. Do đó, giá tôm được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp.

Và ở một khía cạnh khác, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc Liên minh châu Âu (EU) đưa ra thẻ vàng đối với Việt Nam về IUU là một định chế pháp luật để ngăn chặn khai thác bất hợp pháp, không đúng quy cách và không đúng quy ước của EU, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đại dương và kinh tế biển.

Những khuyến nghị của EU là hoàn toàn phù hợp với Việt Nam để tái cơ cấu lại ngành hải sản theo hướng phát triển bền vững và có trách nhiệm hơn. Theo đó, chúng ta đã tập trung thực hiện các nhóm giải pháp, đặc biệt là về chính sách khi Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản mới. Chính phủ đã chỉ đạo và hiện đã ban hành các văn bản theo luật bao gồm 2 nghị định, 8 thông tư.

Cùng với đó, tại 28 tỉnh duyên hải, các cấp chính quyền cũng đã tích cực vào cuộc tuyên truyền một cách hiệu quả các vấn đề pháp luật về khai thác hải sản cho ngư dân, các thành phần kinh tế tham gia khai thác biển. Chính vì thế cho đến thời điểm này, các vi phạm về khai thác cá ở một số vùng biển của Việt Nam không còn xảy ra nữa. Điều này đã được Australia và nhiều quốc gia khác thừa nhận. Tuy nhiên, tại các khu vực biển phía Nam thì hiện tượng này vẫn còn tiếp diễn, do cả nguyên nhân khách quan (có phần chồng lấn biển), và chủ quan (một số ngư dân còn vi phạm trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019). Do đó, trong thời gian tới, để triển khai chương trình xuất khẩu hải sản nói chung một cách bền vững thì Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện 9 khuyến nghị của EU.

Bên cạnh đó, quan trọng hơn là việc nuôi trồng của Việt Nam hiện đang phát triển rất tốt. Năm 2018 vừa qua, xuất khẩu thủy sản đã đạt trên 4 tỷ USD. Trong thời gian tới, chúng ta phải tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản sâu rộng hơn, tạo nên khối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất cho đến tổ chức chế biến và cho đến thương mại. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh nuôi trồng ở các vùng biển.

Vừa qua, Na Uy đã có cam kết chính thức với Việt Nam cho một sự hợp tác chiến lược về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, kết hợp chặt chẽ với ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để đảm bảo phát triển bền vững.

Bảo Ngọc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/de-nganh-thuy-san-phat-trien-ben-vung-88760.html