Để du lịch Tam Đảo phát triển tương xứng tiềm năng

Mô hình nhà ga cáp treo Tây Thiên đang được Công ty CP đầu tư Lạc Hồng đầu tư xây dựng.

Hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi về thiên nhiên, văn hóa - lịch sử và con người, Tam Đảo đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Tam Đảo gắn liền với di tích - danh thắng Tây Thiên, một quần thể di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng từ nghìn xưa, một hệ thống bao gồm đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên với vô số các di tích chùa, đền, miếu được xây dựng từ hàng trăm năm nay, nằm rải rác từ chân núi lên đến tận đỉnh núi dài gần 10 km trong dãy Tam Đảo hùng vĩ. Tây Thiên còn là một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam từ xa xưa. Trong khu vực Tam Đảo còn có một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với 110 di tích các loại với 27 đình, 34 đền, 35 chùa, tám lăng miếu, năm di tích lịch sử cách mạng. Trong đó, khu di tích và danh thắng Tây Thiên - đền thờ Quốc Mẫu nữ tướng Anh hùng Lăng Thị Tiêu được xếp hạng Quốc gia và 20 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Liền kề là Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên mang dáng vẻ kiến trúc truyền thống, xen lẫn những mái đình, chùa rêu phong, cổ kính, ẩn mình dưới cánh rừng cổ thụ nguyên sinh. Ngoài ra, huyện Tam Đảo còn tự hào giữ gìn một kho tài nguyên du lịch tự nhiên là rừng núi Tây Thiên, đỉnh Rùng Rình, rừng Ma, ao Dứa, Thác Bạc, núi Trường Sinh, suối Bát Nhã, suối Giải Oan, hồ Xạ Hương... Trong đó có rừng cây nguyên sinh Vườn Quốc gia Tam Đảo với nhiều loại cây, hoa quý hiếm, hàng trăm loài động vật... Đặc biệt, khu nghỉ mát Tam Đảo nằm ở độ cao hơn 1.000 m, có nơi độ cao lên đến 1.400 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình trong năm từ 10 đến 19oC, quyến rũ du khách lên nghỉ mát, dưỡng bệnh vào ngày nghỉ cuối tuần, nhất là vào mùa hè.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Tam Đảo Nguyễn Quang Hải cho biết: Hằng năm Tam Đảo có lễ hội Tây Thiên được tổ chức từ ngày 15 đến 17-2 âm lịch gắn với truyền thuyết về nữ tướng Anh hùng Lăng Thị Tiêu được dân gian suy tôn là Quốc Mẫu. Sức lôi cuốn của Tam Đảo còn thể hiện ở những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện với các loại hình nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa như hát giao duyên, hát soọng cô Sán Dìu và nghệ thuật ẩm thực đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó là các làng nghề thủ công với những sản phẩm hàng hóa phục vụ cho sinh hoạt đời sống hằng ngày và cho du lịch... Có thể nói, đây là những lợi thế về tiềm năng và cơ sở để Tam Đảo phát triển ngành "công nghiệp không khói" một cách bền vững.

Nhằm khai thác thế mạnh tài nguyên tự nhiên và nhân văn, Tam Đảo mời gọi đầu tư xây dựng nơi đây trở thành một trọng điểm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh của tỉnh Vĩnh Phúc và cả nước. Du lịch, dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Hệ thống khách sạn, nhà hàng ngày càng được nâng cấp và xây mới. Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 100 khách sạn, nhà nghỉ với tổng số hơn 1.500 phòng, trong đó có năm khách sạn đạt tiêu chuẩn từ hai đến bốn sao. Doanh thu từ dịch vụ du lịch ngày càng cao, lượng khách du lịch đến huyện Tam Đảo mỗi năm trung bình đạt hơn 900 nghìn lượt. Tuy nhiên, doanh thu từ ngành du lịch - dịch vụ của huyện vẫn chưa thật phát triển tương xứng tiềm năng. Nguyên nhân là do kết cấu hạ tầng cho du lịch chưa đồng bộ, còn thiếu, yếu và bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo Phạm Quang Nguyên cho biết: Đứng trước những đòi hỏi ngày càng cao của du khách, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang có dự án đầu tư gần ba nghìn tỷ đồng để quy hoạch tổng thể phát triển du lịch - dịch vụ đến năm 2015, nhằm xây dựng khu du lịch "tam giác vàng" với

khu nghỉ mát Tam Đảo, Tây Thiên - Thiền viện Trúc Lâm và khu Trung tâm Lễ hội văn hóa Tây Thiên ở chân núi Tam Đảo thành một trọng điểm du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh của tỉnh và cả nước. Nhất là đề án phát triển du lịch Tam Đảo 1 và Tam Đảo 2 đã tính đến cặn kẽ về giá trị văn hóa, tinh thần, tâm linh trong việc bảo vệ rừng, kết hợp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn một cách hài hòa, bền vững. Đã có nhiều chương trình hợp tác, dự án đầu tư được triển khai tại Tam Đảo, trong đó có những dự án khá lớn đang được hoàn thiện như dự án của Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng là chủ đầu tư hệ thống cáp treo gồm 13 cột trụ đỡ, hai ga có chiều dài 2.512 m. Ga đầu xuất phát từ Đền Cậu có độ cao 120 m, ga đến ở chân Đền Thượng, có độ cao 486 m so với mặt nước biển. Công nghệ và thiết bị cáp treo do hãng POMA của Pháp sản xuất và cung cấp. Tổng mức đầu tư là 280 tỷ đồng và dự kiến tháng 2-2012 đưa vào hoạt động để phục vụ du khách hành hương lên đỉnh Tây Thiên. Ngoài ra, Công ty Lạc Hồng còn thi công khu Trung tâm lễ hội văn hóa Tây Thiên, rộng 160 ha, nằm ở xã Đại Đình chân núi Tam Đảo, do UBND tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Nằm trong khuôn viên Trung tâm lễ hội là ngôi Đại Bảo Tháp, cao gần 30 m, rộng 1.800 m2, cũng đang được Công ty Lạc Hồng thi công với mức đầu tư là 50 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.

Tỉnh Vĩnh Phúc, Đảng bộ và nhân dân huyện Tam Đảo xác định các giải pháp gắn phát triển văn hóa, lễ hội và du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tập trung khai thác hiệu quả các sản phẩm, lễ hội văn hóa phục vụ du lịch. Hiện tại, công tác đầu tư nghiên cứu khoa học, tạo cơ sở và tiền đề sớm phục hồi các di tích văn hóa cổ ở Tam Đảo cũng đang được quan tâm nhằm tạo dựng những sản phẩm du lịch thu hút du khách và các nguồn đầu tư vào phát triển du lịch.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/tin-chung/du-l-ch-tam-o-phat-tri-n-t-ng-x-ng-ti-m-n-ng-1.321392