Để câu Xoan còn vang mãi

Làng Thét (xã Kim Đức – thành phố Việt Trì) - Một trong bốn chiếc nôi của di sản Hát Xoan Phú Thọ, nơi có phường Xoan Thét với các đào Xoan luôn nặng lòng với trọng trách gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan, để câu Xoan còn vang mãi.

Ươm mầm di sản cha ông

Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, Hồ sơ Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngày 8/12/2017, tại Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của UNESCO. Sự kiện này đã đánh dấu thành công bước đầu của tỉnh Phú Thọ và của cộng đồng đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản Hát Xoan trong tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trong đó có đóng góp của những phường Xoan như phường Xoan Thét.

Các nghệ nhân phường Xoan Thét biểu diễn hát Xoan

Hát Xoan hiện có ở 18 xã của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, trong đó 15 xã, phường thuộc thành phố Việt Trì, các huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông và Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) và 3 xã thuộc 3 huyện Lập Thạch, Sông Lô và Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, hiện có 4 phường Xoan được thành lập đang hoạt động tại thành phố Việt Trì, đó là phường Xoan An Thái, phường Xoan Thét, phường Xoan Phù Đức và phường Xoan Kim Đái.

Không ai nhớ phường Xoan Thét được hình thành từ bao giờ, chỉ biết Xoan đã ăn sâu vào lòng những thế hệ người dân làng Thét từ rất lâu… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có những lúc tưởng chừng như câu Xoan không còn sức sống, chỉ lắng lại trong lòng những đào kép nặng tình với Xoan như cụ Điến, cụ Mẫn, cụ Khả - những người vẫn lặng lẽ tập hợp các đào kép, tối tối trong ánh đèn dầu luyện tập hát Xoan để biểu diễn trong các dịp tế lễ, hội làng hoặc tổ chức đi hát khi các làng kết nghĩa mời. Những năm đó phường Xoan Thét rất khó khăn và những người gắn bó với Xoan lúc đó cũng còn lại rất ít, có lúc cả phường chưa nổi chục người, kinh phí thường là do những người đi diễn tự đóng góp, những lúc đi diễn xa phương tiện đi lại không có, phải đi bộ mấy ngày mới tới chỗ biểu diễn… Tuy vậy, lứa các đào kép như cụ Tiếu, cụ Sủng, cụ Phụng, cụ Huê, cụ Phúc… vẫn đam mê hát và giữ cho ngọn lửa Xoan âm ỉ cháy. Hồi mới hòa bình, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng vượt lên tất cả, bằng tình yêu với hát Xoan các lớp đào kép còn lại ít ỏi đó của phường Xoan Thét vẫn đau đáu một ước nguyện gìn giữ, trao truyền làn điệu dân ca Xoan cổ cho các lớp con cháu và nhân dân làng Thét. Những dịp nông nhàn các cụ lại truyền dạy cho con cháu trong nhà, trong dòng họ, câu Xoan cũng từ đó mà lan rộng đến các gia đình, các thế hệ người dân trong làng. Chính thế hệ đầu tiên của phường Xoan Thét là cha, mẹ, chú bác của những thành viên của phường Xoan hiện nay- bà trùm phường Xoan Thét hiện nay, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kiều Nga cho biết.

Xoan cũng không kén người vì thế số người quan tâm, tìm hiểu và học hát Xoan ngày một nhiều hơn. Phường Xoan Thét ngày ấy có khoảng 25 – 26 thành viên, các thành viên trong phường chủ yếu làm nghề nông, lam lũ, vất vả là vậy nhưng họ vẫn tự nguyện tham gia các buổi tập luyện được tổ chức tại nhà trùm phường vào buổi tối, tự nguyện đóng góp các khoản kinh phí để phường hoạt động, để các buổi biểu diễn hát Xoan được thường xuyên và liên tục hơn.

Trong suốt thời gian từ năm 1998 khi câu lạc bộ hát Xoan được thành lập đến năm 2006 phường Xoan Thét được tái lập trên cơ sở ba phường Xoan gốc, các cụ Nguyễn Thị Sủng, cụ Nguyễn Thị Át, cụ Đào Thị Phụng, cụ Nguyễn Sĩ Tiếu, cụ Nguyễn Ngọc Bảo… trở thành những trụ cột của câu lạc bộ. Bằng cả tấm lòng với Xoan không đòi hỏi bất cứ một chế độ gì các cụ vừa đi biểu diễn, vừa đảm nhiệm trọng trách truyền dạy, duy trì hoạt động của câu lạc bộ Xoan, về sau lớp nghệ nhân già này do tuổi cao không còn đủ sức truyền dạy họ vẫn tham với tư cách là cố vấn cho phường. Các buổi trình diễn Xoan thời gian này không chỉ bó hẹp trong các dịp lễ tết, hội làng mà còn được biểu diễn tại các làng bạn: An Thái, Kim Đái, Phù Đức, Hùng Lô… tham gia các hội thi, hội diễn dân ca, văn nghệ quần chúng… Bên cạnh đó công tác truyền dạy Xoan cũng rất được quan tâm, đối tượng truyền dạy rộng rãi hơn từ thế hệ cao tuổi tới thanh thiếu niên.

"Năm 2009-2010 khi Nhà nước tiến hành lập hồ sơ di sản hát Xoan, là những người nắm giữ các tri thức, kỹ năng hát Xoan cổ và đã có nhiều năm trình diễn hát Xoan, các cụ cao tuổi trong phường đã nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp các tri thức về hát Xoan, các bản Xoan, trình diễn lại các điệu Xoan cổ và vận động các thành viên tích cực tham gia hoàn thiện hồ sơ với các hoạt động biểu diễn hát Xoan tại đình, miếu, tham gia làm phim tại các địa phương khác rồi tham gia biểu diễn phục vụ các hội thảo về hát Xoan… góp phần không nhỏ vào công tác bảo tồn, khôi phục làn điệu hát Xoan Phú Thọ với mong muốn hát Xoan sẽ đến được với đông đảo người dân"- Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kiều Nga chia sẻ.

Đào Xoan Lê Thị Hoa và bà trùm phường Xoan Thét Bùi Thị Kiều Nga (từ trái sang phải)

Lan tỏa giá trị di sản

Tiếp nối tình yêu di sản của cha ông truyền lại, ngày nay, phường Xoan Thét có khoảng 80 thành viên, trong đó có 20 người được tỉnh Phú Thọ phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Định kỳ mỗi tuần, các nghệ nhân dành hai buổi tối đào tạo con em. Phường Xoan Thét hiện có tới 30 truyền nhân dưới 18 tuổi vẫn đang học hỏi để tiếp nối và lưu truyền di sản hát xoan của ông cha. Ngoài lễ hội đầu xuân, phường còn đi biểu diễn giao lưu văn hóa ở Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Nội...; diễn phục vụ các đoàn khách đi lễ hội Đền Hùng ghé qua thưởng thức văn hóa dân gian.

Các thành viên trong phường Xoan chủ yếu làm ruộng, công nhân, lái taxi, cắt tóc gội đầu, spa ... Vì đam mê và mong muốn bảo tồn nghệ thuật truyền thống nên họ tranh thủ thời gian tham gia phường hát.

Chỉ ít phút trước giờ biểu diễn, anh Nguyễn Văn Tuấn, 39 tuổi, lái taxi về đỗ vội trước cửa sân đình sau một cuốc khách. Khoác lên mình bộ áo dài khăn đóng, anh Tuấn trong phút chốc nhập vai kép Xoan, đảm nhận gõ trống và dẫn cách cho các đào hát. Anh Tuấn chia sẻ, vì yêu mến hát Xoan, yêu vẻ đẹp độc đáo có một không hai của di sản mà cha ông để lại, mỗi khi phường có lịch biểu diễn, anh đều thu xếp tham gia. Cũng theo anh Tuấn, tình yêu đối với hát Xoan ngấm vào máu từ nhỏ, khi đi theo cha và chú tham gia phường Xoan Thét, lắng nghe những điệu hát, tiếng trống, xem những điệu múa, dần dần, anh hiểu thêm về cái đẹp, cái hay, cái đặc biệt của hát Xoan.

Kép Xoan Nguyễn Văn Tuấn

Còn đào Xoan Lê Thị Hoa, 44 tuổi thì chia sẻ: "Tôi thấm những câu hát Xoan từ thuở nhỏ. Năm 2013, khi xã bắt đầu mở lớp học cộng đồng, tôi đăng ký theo học. Giữa năm 2016, tôi đi xuất khẩu lao động nhưng những câu hát vẫn theo bên mình. Khi làm ở bên Nhật, tôi vẫn rất nhớ hát Xoan, thi thoảng lại mở YouTube ra để học hoặc xem các chương trình ở quê nhà". Và cuối năm 2022, chỉ ba ngày sau khi về nước, đào Xoan Lê Thị Hoa đã trở lại sinh hoạt cùng phường Xoan.

Không chỉ đào Hoa, con gái chị - Lê Thị Thảo - hiện cũng theo mẹ đi hát. Thảo sinh năm 2006, từ lúc ba, bốn tuổi đã được mẹ đưa đến các buổi tập. Theo chị Hoa, bé nghe và thuộc lòng giai điệu từ lúc nào. Về nhà, có khi chị Hoa hát sai lời, con gái lại nhắc mẹ sửa.

Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Nhàn, 67 tuổi, cho biết trong gia đình bà, con gái, cháu nội, cháu ngoại đều biết hát. Các cháu nhỏ chưa biết chữ nhưng thấy các bà, các mẹ biểu diễn cũng có thể nhẩm lời và đưa tay múa theo. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngà biết hát xoan từ năm chín tuổi, mẹ cũng là Nghệ nhân Ưu tú ở phường Phù Đức. Khi lấy chồng về làng Thét, bà tiếp tục theo đuổi nghề và truyền cho con cháu.

Điều đau đáu của bà trùm phường Xoan Bùi Thị Kiều Nga là mong muốn có thêm thu nhập cho anh em trong phường để có thể nối dài đam mê giữ gìn di sản nghệ thuật của cha ông. Bà trùm phường Xoan Thét cho biết: "Đối với phường Xoan Thét, mỗi khi có hoạt động biểu diễn giao lưu, hầu như các thành viên tự bỏ công sức, thời gian tham dự. Khi biểu diễn phục vụ du khách được bồi dưỡng một vài trăm, chia cho các thành viên chỉ được một chút gọi là khuyến khích. Tôi trăn trở, mong muốn có kinh phí cho các phường Xoan hoạt động, đối với những Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú được phong danh hiệu, tôi mong muốn địa phương có chính sách hỗ trợ định kỳ hằng tháng để động viên, khích lệ các nghệ nhân giữ lửa, truyền lửa nghề đến thế hệ trẻ"./.

Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/de-cau-xoan-con-vang-mai-20240413235027779.htm