ĐD Lương Đình Dũng: 'Lợi nhuận từ phim ảnh không phải là con số trước mắt'
Với đạo diễn Lương Đình Dũng, dù ấp ủ nhiều dự án phim có kinh phí sản xuất lớn nhưng không phải cứ đầu tư càng nhiều thì lợi nhuận càng lớn.
Nhắc đến đạo diễn Lương Đình Dũng, khán giả yêu điện ảnh sẽ nhớ ngay tới bộ phim Cha cõng con. Tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Lương Đình Dũng đã đem về nhiều giải thưởng uy tín như: Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Iran lần 36. Giải Kịch bản xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 20, Giải Phim nước ngoài hay nhất tại LHP Quốc tế Arizona lần 26...
Không chỉ ghi dấu ấn bằng những giải thưởng giá trị, Lương Đình Dũng còn là người Việt Nam đầu tiên làm cố vấn phim tại LHP quốc tế Tallinn Black Night – LHP hạng A, top 15 LHP lớn nhất được thế giới công nhận.
Hiện tại, Lương Đình Dũng nằm trong Top những đạo diễn tài năng của Việt Nam khi luôn ấp ủ những bộ phim mới với nhiều sáng tạo như: Thành phố ngủ gật, 578: Phát đạn của kẻ điên, Ma đói: Mật mã 45, Những cô gái vô chủ...
Mới đây, trên website chính thức của Liên hoan phim quốc tế Pune lần thứ 19 (Pune International Film Festival - PIFF) đã công bố danh sách các giám khảo, trong số đó có tên đạo diễn Lương Đình Dũng. Trước những dự định của năm 2021, anh đã có những chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật.
Chào đạo diễn Lương Đình Dũng, anh thường được biết đến là một nhà sản xuất phim đầu tư với kinh phí "khủng", vì sao anh lại "chịu chơi" vậy?
Tôi làm phim không phải để ra oai với ai, mà tôi làm phim điện ảnh vì đam mê. Không phải chi phí khủng sẽ mang lại lợi nhuận cao, nhưng tôi nghĩ, "đắt xắt ra miếng", tôi sẽ đầu tư một bộ phim có đẳng cấp, nhân văn, sẽ lấy đi nước mắt của nhiều người. Các phim điện ảnh thường chuộng quay trong thành phố, kinh phí dao động từ 10-20 tỷ đồng. Cha cõng con từng gây xôn xao khi tiết lộ kinh phí 18 tỷ cho một bộ phim không hề có mặt ngôi sao nào. Lần này, tôi chịu chơi hơn khi định làm một tác phẩm với kinh phí khủng lên tới 60 tỷ đồng.
Đây là một kịch bản do tôi viết và tôi rất tâm đắc, nó là một câu chuyện lớn, mối liên hệ giữa các nhân vật phức tạp. Tôi muốn tạo ra một bộ phim lớn, tầm cỡ để có sức lan rộng, lan nhanh không chỉ ở Việt Nam mà ra quốc tế.
Nhiều đạo diễn thường giữ bí mật về chi phí làm phim, nhưng Lương Đình Dũng lại không ngại ngần công khai chi phí "khủng" để làm các phim bom tấn, anh có sợ bị dị nghị không?
Tôi làm nghệ thuật chân chính chứ có gì đâu mà phải giấu giếm. Tôi công khai vì tôi làm nghệ thuật thật, đầu tư thật. Ngay bộ phim đầu tay tôi làm là Cha cõng con cũng lên đến 18 tỷ đồng.
Phim có thời gian ghi hình thực tế 62 ngày, bao gồm cả ngày quay bổ sung, tổng thời gian quay gần 80 ngày. Hầu hết các phim điện ảnh đều quay trong thời gian một tháng. Sở dĩ thời gian quay Cha cõng con bị đội lên gấp đôi như vậy vì tôi đã yêu cầu ê-kíp từ diễn viên đến quay phim làm lại nhiều lần. Dàn diễn viên hầu hết là nghiệp dư, lại phần đa là trẻ con, nhưng đạo diễn vẫn rất nghiêm khắc để hoàn thiện từng cảnh quay. Tôi cho rằng, lợi nhuận từ phim ảnh không phải là cái trước mắt. Tôi làm phim từ sự tử tế của mình, của xã hội.
Theo anh, ngoài kinh phí làm phim điện ảnh, yếu tố nào quyết định thành công của bộ phim?
Ngoài kinh phí làm phim thì điều quan trọng nhất là phim phải có kịch bản hay. Việc chọn diễn viên cũng phải cẩn thận. Nhiều khi tôi cũng thấy mình quá khắt khe, đến mức đội casting hàng chục người, phải dùng đúng từ là “cày xới” nhiều lắm, cả năm mới tìm ra được diễn viên mà tôi thấy phù hợp cho phim.
Đôi khi tôi cũng định giảm mức yêu cầu xuống, nhưng có lẽ chỉ ngay sau đó thì tôi vẫn giữ lại những yêu cầu của mình. Một bộ phim, ngoài tiền bạc công sức và thời gian thì một thứ mà đạo diễn có thể “đau đớn” suốt sự nghiệp đó là chọn nhầm diễn viên. Diễn viên khi đã lên màn ảnh, họ có nhiệm vụ và trách nhiệm hàng đầu để chinh phục khán giả. Nếu sai thì coi như viên ngọc bị rạn, hiệu quả theo đó cũng thất bại.
Anh có thể chia sẻ về kế hoạch của mình trong năm 2021?
Tôi vẫn tiếp tục làm những dự án nghệ thuật đang dang dở và sẽ ra mắt khán giả sớm. Mới đây, tôi đã chính thức được chọn làm Giám khảo của Liên hoan phim Quốc tế Pune lần thứ 19 Pune International Film Festival (PIFF). Đây là Liên hoan phim thường niên được tổ chức tại thành phố Pune, Maharashtra, Ấn Độ từ năm 2002.
Tôi vinh dự là Giám khảo Quốc tế người Việt Nam đầu tiên của Liên hoan phim danh giá. Tôi là một trong năm thành viên Giám khảo quốc tế uy tín được Hội đồng Liên Hoan phim bầu ra để lựa chọn giải thưởng danh giá nhất của Hạng mục Phim truyện cạnh tranh quốc tế (World Competition Selection).
Anh có cảm thấy áp lực khi tham gia một Liên hoan phim danh giá như vậy không?
Tôi thấy vui khi được mời tham gia ban giám khảo của Liên Hoan Phim Quốc tế Pune và hy vọng sẽ học hỏi được nhiều từ vị trí này. Tôi nhận lời nhận lời tham gia vì đây là một Liên hoan phim chất lượng cao, các giám khảo tên tuổi và cho phép giám khảo làm việc từ xa.
Hàng năm, Liên hoan phim tiếp nhận gần 2000 tác phẩm dự thi đến từ gần trăm quốc gia trên thế giới như: Thụy Sĩ, Pháp, Trung Quốc Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Philippines,... Riêng giải thưởng dành cho Phim quốc tế xuất sắc nhất là 10 Lakhs tương đương với khoảng 15.000 USD.
Từ ngày 6/3/2021, Ban giám khảo gồm 5 thành viên bắt đầu xem 14 bộ phim lọt vào vòng chung kết để từ đó chọn ra Phim xuất sắc nhất hạng mục Quốc tế. Các giám khảo có những buổi xem chung và cả xem riêng, chấm công khai kèm hình thức bỏ phiếu kín. Đây sẽ là cơ hội để tôi học hỏi xem cách làm phim của các đạo diễn trên thế giới để chọn những tinh hoa về kỹ thuật làm phim, để vận dụng ở Việt Nam.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!