ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Giá vàng trong nước và thế giới phải 'nhảy' cùng nhịp điệu

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng vấn đề quan trọng nhất là phải khiến giá vàng trong nước và thế giới 'nhảy' cùng nhịp điệu, sát giá với nhau.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Thật ra, vàng là phải "nhảy múa"

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Thật ra, vàng là phải "nhảy múa"

Trao đổi riêng với Báo Người Lao Động, PGS-TS, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng vừa qua có nhiều người nói là phải kiểm soát vàng, không để giá vàng "nhảy múa". "Thật sự ra, vàng là phải nhảy múa" - ông nói.

Phân tích kỹ hơn, vị đại biểu là chuyên gia kinh tế cho biết giá cả phải lên, xuống theo biến động của thị trường, đó là điều đương nhiên. Tuy nhiên phải theo nhịp điệu chung của thế giới. Giá vàng thế giới tăng thì mình tăng và ngược lại.

"Nhưng thực tiễn thị trường vàng trong nước, có những lúc giá vàng thế giới xuống mà trong nước vẫn lên. Đó là vấn đề không bình thường" - ông nói.

Mục tiêu quan trọng nhất đối với vàng, theo ông Trần Hoàng Ngân là chúng ta đừng quan tâm nhiều đến nó. Nếu mình càng quan tâm nhiều đến vàng thì vàng càng "nhảy múa". Tạm thời là để nó yên thì sẽ tự động nó yên.

"Nhưng hiện nay vàng trong nước đang đang bị ảnh hưởng bới yếu tố tâm lý của người dân và tâm lý của nhà đầu tư rất là lớn" - ông nói.

Còn giá vàng lên thời gian qua là có cơ sở. Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, có ba yếu tố chính khiến giá vàng lên.

Thứ nhất, giá vàng thế giới từ đầu năm đến giờ tăng khoảng 20%. Yếu tố thứ hai ảnh hưởng giá vàng nữa là yếu tố tỉ giá khi đầu năm đến giờ giá USD cũng tăng. Yếu tố thứ ba đó là yếu tố về cung cầu. Nếu nhu cầu đổ xô mua nhiều, vượt quá nguồn cung thì giá lên. Thực tế cho thấy nhu cầu này vừa là ảo, vừa theo hiệu ứng tin đồn, theo dự báo… thấy tình hình thế giới bất ổn, họ đổ xô đi mua vàng.

Nhưng người dân thật sự có tiền không?.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, thật sự cầu của người dân rất ít - dù cũng có người dân tích góp mua vàng, và điều này mình không nên cấm.

Nhưng cũng có những DN mua, họ đầu cơ thì chúng ta phải thanh tra, kiểm tra, bởi vì điều này tạo ra một sức cầu quá lớn, cộng với 3 yếu tố nêu trên thì giá vàng lên.

Cho nên mục tiêu của của cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Ngân không phải là làm cho giá vàng xuống, mà vấn đề quan trọng nhất là thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước - đấy là mục tiêu, chứ không phải là bằng mọi cách để kéo giá vàng xuống, vì giá vàng thế giới đang lên thì giá trong nước phải lên.

"Quan trọng nhất phải khiến giá vàng trong nước và giá vàng thế giới "nhảy" cùng nhịp điệu, sát giá với nhau" - theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân.

Việc chúng ta đấu thầu vàng miếng, vị chuyên gia đánh giá "là một bước đi cần thiết và hợp lý". Chúng ta phải "kéo" từ từ chứ không thể "kéo" giá vàng trong nước xuống ngay được khi vàng đang có độ "vênh" cao hơn gần 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, vấn đề là phải có cảnh báo với người dân. Bây giờ giá giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch tới 16, 17 triệu đồng/lượng. Cho nên, việc mua vàng, đầu tư ở thời điểm này không phải là một bài toán hay, mà là bài toán đầy rủi ro.

Bởi nếu Ngân hàng Nhà nước tham gia ổn định thị trường để thu hút khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới, thì người đầu tư sẽ lỗ. Nhưng nếu ai bắt buộc phải mua để cưới, hỏi thì bắt buộc phải mua.

Chúng ta phải cảnh báo là mua vàng ở thời điểm này là nó sẽ có nhiều rủi ro" - ông Trần Hoàng Ngân.

Theo vị chuyên gia, vàng không phải là mặt hàng khuyến khích nên cũng không phải bằng mọi giá phải kéo bằng được giá vàng. Vấn đề là chúng ta kiểm soát, tránh đầu cơ, lũng đoạn thị trường, chống buôn lậu vàng, để đưa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước tương thích với nhau - dĩ nhiên nó phải có chênh lệch.

"Tôi thấy là Chính phủ đang đúng hướng về quản lý thị trường vàng, chỉ có điều nếu hành động nếu sớm hơn thì sẽ tốt hơn - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dbqh-tran-hoang-ngan-gia-vang-trong-nuoc-va-the-gioi-phai-nhay-cung-nhip-dieu-19624052519335099.htm