ĐBQH TẠ VĂN HẠ: ĐỀ XUẤT QUY ĐỊNH DU LỊCH LÀ NGÀNH ĐƯỢC THU HỒI ĐẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN

Góp ý vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ cho rằng, dự thảo Luật lần này cần có cơ chế để thúc đẩy du lịch, đặc biệt cần quy định du lịch là ngành được thu hồi đất để phát triển kinh tế -xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ

Phóng viên: Du lịch đã được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển đất nước. Vậy lĩnh vực du lịch được ưu tiên phát triển trong hệ thống pháp luật hiện hành như thế nào, thưa ông?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ: Về vai trò của du lịch, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ghi rất rõ, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Nghị quyết 08 đặt ra mục tiêu năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khoản 2 Điều 5 của Luật Du lịch cũng nêu rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành các chính sách ưu đãi. Điểm G khoản 4 của Luật Du lịch khẳng định Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho hoạt động đầu tư để hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp có hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm…

Đặc biệt trong Nghị quyết 103 của Chính phủ cũng nêu rất rõ nhiệm vụ hoàn thành các thể chế chính sách, sửa đổi bổ sung xây dựng ưu đãi đầu tư các dự án du lịch tại các điểm địa bàn trọng điểm, khu vực đặc biệt để phát triển du lịch và các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng có tiềm năng lợi thế về phát triển du lịch.

Tôi cho rằng muốn đạt được mục tiêu của Đảng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tất cả các quy định cùng phải hướng đến mục tiêu đó. Trong đó, đất đai là quan trọng nhất, rồi đến thuế và sau này còn nhiều thứ phải bàn nữa.

Phóng viên: Hiện nay dư luận đang rất quan tâm đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ông có đề xuất gì cho lĩnh vực du lịch trong dự án Luật này không?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ: Chúng tôi cũng đang rất quan tâm đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Tôi đã xem kỹ bản Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất và tra được 11 từ “Du lịch” nhưng trong đó có tới 9 từ được nhắc lại để sửa đổi Điều 53 và Điều 59 của Luật Lâm nghiệp. Và có 2 điều nằm ở Khoản 1 Điều 21 và Điều 204 quy định về đất sử dụng cho khu kinh tế. Như vậy, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 16 Chương, 265 Điều với tổng số 228 trang giấy và báo cáo giải trình gần 300 trang, tôi đã đọc toàn bộ nhưng cũng chưa thấy nhắc đến cơ chế phát triển du lịch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có cơ chế để thúc đẩy du lịch, đặc biệt cần quy định du lịch là ngành được thu hồi đất để phát triển kinh tế -xã hội

Như vậy, chúng ta ứng xử như thế nào đối với một ngành kinh tế mũi nhọn? Đặc biệt, liên quan đến Điều 79, tôi cho rằng, cần phải đưa quy định du lịch là ngành được thu hồi đất để phát triển. Du lịch không chỉ cung cấp chỗ lưu trú, mà trong những khu du lịch lớn đều có những tổ hợp kinh doanh, khu thương mại dịch vụ là động lực để phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, xả stress sau những ngày vất vả lao động của người dân. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn rằng lần này sửa Luật Đất đai sẽ tạo được nhiều cơ chế để thúc đẩy du lịch.

Về câu chuyện sửa Luật Đất đai, tôi cho rằng chúng ta phải xác định được cách ứng xử của Luật Đất đai lần này đối với một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước như thế nào để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đặt ra.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chúng tôi cũng đang tham gia nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hiện cơ bản những vấn đề chúng tôi đặt ra đã được Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra quan tâm và tiếp thu. Hiện chúng tôi đang đối chiếu những kiến nghị cụ thể xem còn sót những phần nào để kiến nghị và bổ sung.

Đặc biệt, những kiến nghị xung quanh vấn đề tạo đất cho du lịch từ các chuyên gia, nhà khoa học, luật sư hiện nay tôi đánh giá là rất cần thiết. Chúng tôi đang chắt lọc, lựa chọn những kiến nghị sát nhất, cụ thể để góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tạo cơ chế phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như đúng định hướng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=83157