ĐBQH phân tích tác hại, đề nghị chấm dứt thuốc lá điện tử tại Việt Nam
Trước những tác hại của thuốc lá điện tử, đặc biệt với giới trẻ, tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần có biện pháp chấm dứt ngay việc mua bán, lưu thông, sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng 18 lần
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, thuốc lá điện tử đang ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. Các kết quả nghiên cứu cho thấy thực trạng đáng báo động tại Việt Nam. Đó là trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.
Theo Điều tra năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13 - 15 tuổi là 3,5%.
Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy, thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotin. Vì vậy, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường. Thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử, tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 2 - 3,5 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.
Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới trưởng thành hút thuốc lá rất thấp so với nam giới. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, sẽ dẫn đến tình trạng tỷ lệ nữ giới trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá gia tăng nhanh chóng gây nhiều hệ lụy về chất lượng giống nòi...
"Nếu không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ"- bác sỹ Phan Thị Hải nhấn mạnh.
Theo Phó giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, những hậu quả đó khiến chúng ta phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá; giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, kinh tế, môi trường - đặc biệt là các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của thế hệ trẻ.
Thuốc lá điện tử có chứa nicotin là một chất gây nghiện cao. Trong khi đó, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội - nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện. Đáng lưu ý, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá thông thường, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái.
Chưa có động thái giải quyết tác hại của thuốc lá điện tử
Tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Thành phố Hà Nội) đã nêu một số giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Đáng chú ý, trong số các giải pháp được nêu, đại biểu nhấn mạnh cần chú trọng đến phòng chống thuốc lá, đặc biệt là đề nghị chấm dứt thuốc lá điện tử tại Việt Nam...
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, các loại thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, shisha đã xuất hiện tại Việt Nam có chứa chất gây nghiện là ma túy nên đã gây tác hại rất nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, đến nay, hầu như chưa có động thái nào để giải quyết tác hại của các loại thuốc lá này.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội cho sửa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá hoặc có một văn bản quy phạm pháp luật nào khác để chấm dứt ngay việc mua bán, lưu thông, sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Các hành vi vi phạm đều bị xử phạt hình sự.
Còn theo đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh), thực trạng hút thuốc lá ở Việt Nam đang gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội. Theo thống kê có khoảng 15,6 triệu người trưởng thành sử dụng thuốc lá, chiếm 22,5%, Việt Nam là một nước có người sử dụng thuốc lá, đứng thứ 15 trên thế giới, xu thế sử dụng thuốc lá ngày càng gia tăng, người sử dụng thuốc lá trong giới trẻ tăng rất nhanh. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong một năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Trước thực tế đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu sử dụng thuốc lá 30% tương đối vào năm 2030 so với tỉ lệ của năm 2015. Cùng với đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 để phát huy kết quả đạt được, cũng như khắc phục những bất cập, hạn chế nếu có.