Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế

Ba tháng đầu năm 2019, sự nỗ lực của ngành Công thương Hà Nội đã góp phần đưa kinh tế Thủ đô tiếp tục có bước tăng trưởng mới. Tuy nhiên, so cùng kỳ năm ngoái, một số chỉ số phát triển đang có dấu hiệu chững lại, đòi hỏi ngành công thương phải tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu được giao.

Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội tìm hiểu sản phẩm, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo báo cáo quý I-2019, kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực. So cùng kỳ năm 2018, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp Thủ đô đã tăng 6,94%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 136,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%. Ước tính, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 3.303 triệu USD, tăng 11,3%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 1.719 triệu USD, tăng 15,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.584 triệu USD, tăng 6,8%.

Để có được kết quả này, Sở Công thương Hà Nội đã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đã tham mưu, trình UBND thành phố Hà Nội ban hành các quyết định, danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ, sửa đổi; truyền thông, quảng bá cho các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ UBND các huyện hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai năm cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập. Tổ chức các chương trình tọa đàm, tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Công tác nắm bắt thông tin giá cả, thị trường đã được nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong suốt thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tình hình thị trường tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng cục bộ, tăng giá đột biến. Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Tuy nhiên, theo đánh giá, các chỉ số tăng trưởng của ngành công thương trong ba tháng đầu năm 2019 đang có dấu hiệu chững lại. Một số chỉ tiêu có mức tăng thấp hơn so năm 2018 như: Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu... Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội nhận định, đây là thách thức không nhỏ với ngành để có thể đạt và vượt các chỉ tiêu được thành phố giao. Cụ thể, năm 2019, Hà Nội phấn đấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng từ 8,6 đến 8,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7,5 đến 8%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng từ 9 đến 10% so năm 2018.

Do đó, từ nay đến cuối năm, ngành công thương Thủ đô sẽ triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tiếp tục tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngành, theo dõi sự tác động của các cơ chế chính sách, kịp thời đề xuất điều chỉnh để bảo đảm cơ chế chính sách phát huy được hiệu quả khi áp dụng vào thực tế. Từ đó đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách mới phù hợp với điều kiện khách quan và nhu cầu phát triển, tạo thuận lợi hơn nữa trong sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Hà Nội tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư vào các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhất là dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc. Phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp đạt 400 triệu USD (quy đổi), doanh thu đạt 7.670 triệu USD, tăng khoảng 6,4% so cùng kỳ năm trước; thành lập được 30 đến 35 cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất. Đặc biệt, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về thương mại, xuất khẩu, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân. Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ phát triển hệ thống phân phối hiện đại. Dự kiến năm 2019, Hà Nội sẽ có thêm hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại mới gồm năm siêu thị và 200 cửa hàng tiện lợi của Vincommerce; 100 cửa hàng Coopfood; năm siêu thị của Hapro; trung tâm siêu thị AEON Hà Đông; ba siêu thị của Lan Chi; hai siêu thị Big C… Thành phố cũng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường, phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn.

Đồng thời, tiếp tục bảo đảm cung ứng năng lượng, kiểm soát giá cả, tổ chức kết nối hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt nhất. Những giải pháp đồng bộ, cụ thể này của ngành công thương sẽ góp phần đưa kinh tế Thủ đô đạt những bước phát triển mới trong năm 2019.

GIA MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/39973302-day-nhanh-toc-do-tang-truong-kinh-te.html