Đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông

Hơn 10 năm trước, hệ thống dây điện và cáp viễn thông treo lủng lẳng trên cao khiến nhiều khu vực ở trung tâm thành phố nhếch nhác, nguy cơ xảy ra tai nạn luôn rình rập. Trong nỗ lực xây dựng thành phố ngày càng văn minh, sạch đẹp, một trong những việc được tính đến là phải xóa đi những 'mạng nhện' phản cảm này bằng cách đưa chúng 'đi' ngầm dưới lòng đất...

Thi công lắp đặt cáp ngầm trên địa bàn quận 10.

Hơn 10 năm trước, hệ thống dây điện và cáp viễn thông treo lủng lẳng trên cao khiến nhiều khu vực ở trung tâm thành phố nhếch nhác, nguy cơ xảy ra tai nạn luôn rình rập. Trong nỗ lực xây dựng thành phố ngày càng văn minh, sạch đẹp, một trong những việc được tính đến là phải xóa đi những “mạng nhện” phản cảm này bằng cách đưa chúng “đi” ngầm dưới lòng đất...

Mấy năm gần đây, nhiều người dễ dàng nhận thấy các tuyến đường ở trung tâm thành phố thoáng đãng hơn trước rất nhiều. Hình ảnh các bó dây điện, cáp viễn thông như một “đống bùi nhùi” treo ở các trụ điện không còn xuất hiện. Trước đó, dọc các tuyến đường, giao lộ, các bó dây điện, cáp viễn thông giăng chằng chịt chung quanh các trụ điện nhìn rất lộn xộn, phản cảm và dễ xảy ra các nguy cơ về cháy nổ, chập điện.

Từ năm 2003, thành phố bắt đầu thực hiện chủ trương ngầm hóa lưới điện để nâng cao mỹ quan đô thị trên một số tuyến đường trung tâm như: Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ (quận 1),... Sau khoảng 5 năm triển khai, UBND thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, sự tiên phong của ngành điện là rất đáng ghi nhận, nhưng việc chưa “đồng bộ” giữa ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông, chiếu sáng làm cho tình trạng “mạng nhện” bủa vây khắp nơi vẫn chưa được xử lý triệt để.

Khoảng những năm 2009 - 2010, ngành điện TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm năm công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông tại khu vực trung tâm thành phố như: Hội trường Thành ủy; chợ Bến Thành, các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn và Trương Định,... Đồng thời, với quá trình thực hiện thí điểm này, các đơn vị phối hợp thực hiện chỉnh trang, cải tạo vỉa hè, đã góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường sạch đẹp, gọn gàng.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông thành phố, với sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đơn vị, từ năm 2011 trở đi, công tác ngầm hóa tiến triển nhanh hơn. Giai đoạn 2011 - 2015, các đơn vị đã ngầm hóa được 400 km lưới điện trung thế, 500 km lưới điện hạ thế; tỷ lệ lưới điện trung thế ngầm đến năm 2015 đạt 30%. Giai đoạn 2016 - 2020, ngầm hóa 650 km lưới điện trung thế, 1.150 km lưới điện hạ thế; tỷ lệ lưới điện trung thế ngầm đến năm 2020 đạt 35%.

Đến nay, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã phối hợp các chủ đầu tư cáp viễn thông (Viettel, VNPT, FPT, SCTV, Tradincorp) hoàn thành việc thực hiện 240 dự án ngầm hóa tại 195 tuyến đường của thành phố. Tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn thành phố tăng từ 25% năm 2011 lên 32% vào cuối năm 2015 và đạt 45% vào cuối năm 2020 (kế hoạch đề ra là 35%). Cơ bản đã hoàn tất ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông khu vực trung tâm thành phố (tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế ở quận 1 và quận 3 đạt 98%); khu vực nội thành các quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp đạt tỷ lệ 60% (chỉ tiêu đề ra là ngầm hóa khu vực các quận nội thành đạt hơn 50%). Có thể nói, các dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông cùng với các dự án chỉnh trang đô thị khác đã góp phần làm cho thành phố ngày càng xanh - sạch - đẹp...

Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ tiếp tục triển khai ngầm hóa 500 km lưới điện trung thế, 800 km lưới điện hạ thế. Đến năm 2025, toàn thành phố đạt tỷ lệ ngầm hóa từ 50% đến 60%; trong đó các quận nội thành đạt tỷ lệ ngầm hóa 80% đến 90%, riêng các quận 1, 3, 5 đạt tỷ lệ ngầm hóa xấp xỉ 100%; các quận còn lại đạt tỷ lệ ngầm hóa 60 đến 80%...

Hiện nay, thành phố có nhiều công trình ngầm như cấp thoát nước, viễn thông,… nên quá trình triển khai, các đơn vị vẫn còn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thỏa thuận tuyến khiến nhiều dự án phải điều chỉnh kế hoạch, thiết kế, tiến độ so với ban đầu. Vẫn còn tình trạng một số sở, ngành và UBND một số quận, huyện chưa nhiệt tình tham gia hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ngầm hóa…

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, để triển khai tốt hơn công tác ngầm hóa trong thời gian tới, sở đã kiến nghị thành phố xây dựng quy hoạch hạ tầng ngầm đô thị để các đơn vị làm cơ sở trong việc triển khai ngầm hóa theo từng dự án, đồng thời giúp các cơ quan chức năng thuận tiện hơn trong công tác quản lý hạ tầng. Với sự phát triển của khoa học - công nghệ, Sở Công thương thành phố khuyến khích các đơn vị nghiên cứu áp dụng công nghệ 3D trong quản lý hạ tầng nhằm tạo thuận lợi từ quá trình thiết kế, thỏa thuận tuyến đến giai đoạn thi công để hạn chế đầu tư chồng chéo, không đồng bộ.

Cùng với đó, kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị quản lý hạ tầng, chủ đầu tư các dự án ngầm hóa khẩn trương xây dựng quy chế phối hợp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án ngầm hóa…

Bài và ảnh: QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/day-nhanh-tien-do-ngam-hoa-luoi-dien-va-cap-vien-thong-632170/