Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa tại Hà Nội: Cần cơ chế đặc thù
Công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa để triển khai dự án, công trình trọng điểm và chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác tại Hà Nội đang đạt tỷ lệ rất thấp, trong khi nhu cầu về đất đai để phục vụ quá trình đô thị hóa của Thủ đô rất lớn.
Trong giai đoạn 2021 - 2024, TP Hà Nội mới chỉ thực hiện được trên 36% kế hoạch đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa để triển khai các dự án, công trình trọng điểm và chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Bởi qua thực tế triển khai đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.
Công tác triển khai chậm
Theo số liệu tổng hợp từ Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP Hà Nội) về tình hình triển khai các quy định của pháp luật và nghị quyết của HĐND TP trong chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn, tính từ năm 2021 đến hết tháng 4/2024, trên địa bàn TP có 5.994,65ha đất trồng lúa đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và HĐND TP Hà Nội cho phép chuyển mục đích sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ chuyển đổi được 2.207,74ha, đạt 36,83% so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, đối với 251 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và được HĐND TP thông qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng của 489,12ha đất trồng lúa, trong giai đoạn 2021 - 2024, nhưng đến hết tháng 4/2024 mới thực hiện việc thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất được 199,25ha đạt tỷ lệ 40,74% (trong đó chỉ có 64 dự án đã chuyển đổi xong mục đích sử dụng đất với diện tích 104,46ha).
Ngoài ra, toàn TP còn 87,01ha đất trồng lúa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng sau 3 năm không triển khai thực hiện; đồng thời diện tích đất trồng lúa được phép chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp hiện nay là 7.592,14ha.
Có thể thấy, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa để triển khai các dự án, công trình trọng điểm và chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác đang đạt tỷ lệ rất thấp, trong khi nhu cầu về đất đai để phục vụ quá trình đô thị hóa của Thủ đô rất lớn.
Huyện Đông Anh là một trong những địa bàn nhiều dự án trọng điểm của Quốc gia và TP; đồng thời cũng đang trong quá trình đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng đô thị để đáp ứng đủ tiêu chí nâng cấp từ huyện thành quận vào năm 2025. Trong đó có sử dụng một lượng lớn diện tích đất trồng lúa để chuyển đổi mục đích sử dụng, phục vụ cho những công trình này, nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ hoàn thành được trên 70% khối lượng công việc.
“Trong giai đoạn 2021 - 2024, huyện được chấp thuận đầu tư 258 dự án với 985,12ha đất trồng lúa phải thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng, tuy nhiên đến hết tháng 4/2024 huyện mới thu hồi được 695,24ha. Do hạn chế về nguồn lực và vướng mắc bởi một số quy định của pháp luật nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phục vụ các công trình, dự án diễn ra chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thực hiện” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho hay.
Cần sớm được tháo gỡ
Thời gian qua, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa để phục vụ đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, khu đô thị mới, nhà ở và sang mục đích sử dụng khác đang phải căn cứ theo những quy định của Luật Đất đai 2013 và văn bản dưới luật (nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành).
Trong đó có quy định chặt chẽ về điều kiện chuyển đổi nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm vấn đề an ninh lương thực.
Về trình tự, thủ tục để thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác, căn cứ theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ (theo mẫu Thông tư 30/2014/TT-BTNMT của Bộ TN&MT).
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị, các cơ quan thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường sẽ thẩm tra hồ sơ, thẩm định nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, cập nhật hồ sơ. Sau đó cá nhân, tổ chức được chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
“Trước đây, đối với những công trình, dự án lớn, trọng điểm phải sử dụng đất trồng lúa thì việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian làm thủ tục, hồ sơ vì phải chờ đợi các bộ, ngành, Chính phủ góp ý, phê duyệt. Nhưng hiện nay những dự án sử dụng nhiều đất lúa do Chính phủ quyết định đã được giảm bớt một số thủ tục, không phải gửi lấy ý kiến riêng từ bộ, ngành. Phía Bộ TN&MT sau khi tiếp nhận hồ sơ sẽ họp hội đồng thẩm định, các bộ, ngành cùng tham gia và có ý kiến trực tiếp để chỉnh sửa, nên rút ngắn thời gian so với trước đây” – luật sư Trịnh Hữu Đức – Hội luật gia Việt Nam đánh giá.
Tuy nhiên, qua triển khai thực tế, các quy định về trình tự, thủ tục vẫn còn sự chồng chéo, thiếu thống nhất. Điều đáng nói, bên cạnh một số quy định được rút gọn lại phát sinh những thủ tục mới.
Đơn cử như quy định tại Nghị định 10/2023/NĐ-CP (sau này là Nghị định 12/2024/NĐ-CP) hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013 đã phát sinh 3 thành phần hồ sơ so với quy định trước đây trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, gồm: kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt; phương án sử dụng tầng đất mặt và văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Ngoài ra, một số quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng gây ra nhiều khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai các công trình, dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất nông nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đề nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Trong đó, quy định về phân cấp ủy quyền cấp huyện trong việc đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường đối với các dự án có sử dụng đất lúa” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng nói.
Theo đánh giá, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Với một địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất càng trở nên cấp thiết hơn. Nhưng kết quả của công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt từ đất trồng lúa chưa cao, bên cạnh nguyên nhân chủ quan vẫn còn những nguyên nhân khách quan từ quy định pháp luật.
“Tôi cho rằng, muốn tháo gỡ khó khăn cho công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa đầu tư các công trình, dự án đô thị của Thủ đô Hà Nội, thì Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù riêng, để đưa một số nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành giao cho TP trực tiếp quản lý, điều hành. Trước đây, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, TP này đã căn cứ vào đó để thực hiện rất tốt các công việc. Bởi vậy, Quốc hội cũng nên cho Thủ đô một cơ chế đặc thù như thế” – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nêu quan điểm.
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng có nhiều nội dung đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh đề xuất về cơ chế đặc thù cho một số địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cũng cần phải nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về đất đai đối với dự án có sử dụng đất nông nghiệp (về nghĩa vụ tài chính, quyền – thời hạn – chế độ sử dụng đất sau khi chuyển đổi...), nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của người có đất bị thu hồi.
Luật sư Trương Anh Tú – Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam