Đẩy mạnh xã hội hóa phương tiện tránh thai, đảm bảo tính bền vững của công tác dân số
Thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh xã hội hóa phương tiện tránh thai; chú trọng dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng và huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, tăng tính bền vững của công tác dân số và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã thoát nghèo nhưng vẫn còn là nước thu nhập thấp nên các dự án, nguồn phương tiện tránh thai được hỗ trợ đã giảm mạnh và chấm dứt trong khi kinh phí để chi phí cho phương tiện tránh thai là một con số không nhỏ. Việc chuyển sang tiếp thị xã hội, xã hội hóa, thị trường tự do phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) là xu hướng tất yếu.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế, dân số, trong đó có Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020" (Đề án 818).
Tại nhiều địa phương, xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực, có sự tham gia, hưởng ứng của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội.
Tại Thừa Thiên Huế, theo lãnh đạo ngành Dân số địa phương, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai thông qua sự hoạt động tích cực của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số.
Họ tích cực "đi từng ngõ, gõ từng nhà" nắm bắt tâm lý, nhu cầu của đối tượng để có cách tiếp thị hiệu quả; mạnh dạn lồng ghép hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai vào các hoạt động chăm sóc SKSS/KHHGĐ qua các buổi sinh hoạt tại khu dân cư.
Theo đó, dù ban đầu việc tiếp thị các phương tiện tránh thai theo hình thức xã hội hóa còn gặp khó khăn vì người dân còn quan niệm "bao cấp, miễn phí" như trước đây, tuy nhiên, khi cán bộ vận động, tuyên truyền, hiện tại, nhiều người dân trên địa bàn đã có thói quen đến trạm hoặc qua cộng tác viên dân số để mua phương tiện tránh thai. Bởi, họ cảm thấy yên tâm về chất lượng sản phẩm, lại được nhân viên y tế tư vấn về cách sử dụng phù hợp.
Từ những kết quả bước đầu đã đạt được, ngày 5/6/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch về tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030 theo Quyết định số 718/QĐ-BYT ngày 25/2/2019 của Bộ Y tế.
Dù đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo ông Lê Viết Bắc, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như tâm lý quen dùng các phương tiện tránh thai miễn phí khiến các phương tiện tránh thai tiếp thị xã hội và các sản phẩm của xã hội hóa hiện nay khách hàng sử dụng còn hạn chế; kinh phí cho việc quảng bá, xúc tiến sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng còn khó khăn, chủ yếu là lồng ghép với các chương trình khác của DS-KHHGĐ; nguồn lực từ nhà nước ngày càng giảm…
Do đó, trong thời gian tới, lãnh đạo ngành Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế mong Tổng cục DS-KHHGĐ, Ban quản lý Đề án 818 Trung ương tiếp tục quan tâm triển khai cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại địa phương với mục tiêu huy động được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, các cơ sở y tế tham gia cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng thông qua các hỗ trợ mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và phát triển sản phẩm, dịch vụ của Đề án; củng cố và mở rộng cung ứng sản phẩm, dịch vụ của Đề án; quản lý chất lượng sản phẩm và dịch vụ của Đề án đồng thời nâng cao chất lượng thông tin quản lý và hệ thống hậu cần của Đề án.
Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS cho nhóm dân cư có nhu cầu và có khả năng chi trả; chú trọng dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng theo phương thức xã hội hóa và huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, tăng tính bền vững của công tác dân số và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Theo báo cáo công tác DS-KHHGĐ 9 tháng đầu năm 2022 tại Thừa Thiên Huế cho thấy, các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ trong 9 tháng cơ bản đạt kế hoạch được giao. Tổng số trẻ sinh ra là 7.986 trẻ, giảm 1.718 trẻ so với cùng kỳ. Con thứ 3 trở lên là 1.372 trẻ, giảm 365 trẻ so với cùng kỳ. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 17,2% giảm 0,7% so với cùng kỳ.
Tỷ số giới tính khi sinh 109,3 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 92,5%. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 58,9%. Hiện nay, có 121.397 người cao tuổi được truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe; có 126.424 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, chiếm 72,2% số người cao tuổi toàn tỉnh. Tổng cộng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 87,4% so với kế hoạch.