Đẩy mạnh phân cấp phân quyền theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, sáng nay (14/5), Quốc hội đã thảo luận nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Về đơn vị hành chính trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp
Góp ý vào Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Trúc Anh – Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội thống nhất cao với việc xóa bỏ cấp huyện, hình thành mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp như dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, để phát triển quản lý đô thị thì vấn đề đặc khu không nên gói gọn trong hải đảo mà đặc khu có thể trong đất liền. Đại biểu cũng đề nghị cần mạnh dạn phân quyền cho chính quyền cấp tỉnh có thể hình thành đặc khu nếu đáp ứng đủ các qui định của pháp luật. Đại biểu Nguyễn Trúc Anh đề nghị Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) lần này cần quy định theo hướng mở hơn cho những đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, đặc khu, không chỉ gói gọn trong hải đảo.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh – Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội
Góp ý vào nội dung phân loại đơn vị hành chính, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị thay cụm từ “hải đảo” thành “khu vực hải đảo” trong đơn vị hành chính cấp xã. Đại biểu nêu rõ: “ Việt Nam là một quốc gia biển với hơn 3.260 km đường bờ biển và hơn 2.700 hòn đảo lớn nhỏ, giữ vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế và môi trường. Khu vực hải đảo là khu vực bao gồm các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, các đơn vị hành chính được tổ chức trên đảo, vùng biển bao quanh đảo thuộc phạm vi quản lý hành chính, kinh tế, quốc phòng. Khu vực hải đảo có vai trò rất quan trọng là chiến lược quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế biển; bảo tồn sinh thái- đa dạng sinh học; nghiên cứu khoa học, giáo dục biển đảo. Như vậy có thể hiểu là khu vực hải đảo là chỉ đến một vùng không gian rộng lớn hơn gồm cả đảo, vùng biển, vùng bờ đối với các đảo ven bờ gần sát, đơn vị hành chính.” Chính vì vậy, tại khoản 2, điều 1, Đại biểu đề nghị điều chỉnh lại là: “Đơn vị hành chính trực thuộc cấp tỉnh gồm: xã, phường, đặc khu tại khu vực hải đảo.”

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Đồng tình với ý kiến của Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, Đại biểu Nguyễn Việt Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật quy định xã là đơn vị hành chính ở nông thôn, phường là đơn vị hành chính ở đô thị, đặc khu là đơn vị hành chính ở hải đảo. Tuy nhiên, quy định này chưa bao quát hết thực trạng các đơn vị hành chính hiện có và dự kiến sắp xếp trong thời gian tới, vì vậy đại biểu cũng đề xuất bổ sung thêm đặc khu, xã đảo là đơn vị hành chính ở hải đảo.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Cũng cho ý kiến vào nội dung phân loại đơn vị hành chính, Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề xuất bổ sung tiêu chí miền núi để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy. Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy miền núi có những đặc điểm khác biệt hoàn toàn với mô hình nông thôn đồng bằng, cần có những phương thức bộ máy và chính sách phù hợp. Việc bổ sung tiêu chí miền núi sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế, tiêu chí phân loại đơn vị hành chính và các chính sách đặc thù cho vùng miền núi.

Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Về phân cấp, phân quyền trong tổ chức chính quyền địa phương hai cấp
Góp ý vào Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị, nội dung dự thảo Luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã tại khoản 4 Điều 11. Theo Đại biểu, Chương III dự thảo Luật đã quy định về khái niệm, quy tắc, điều kiện, cách thức thực hiện, trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện phân công, phân cấp, ủy quyền. Tuy nhiên, để đẩy mạnh và bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả trong quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực, rất cần thiết phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật chuyên ngành, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản pháp luật có có liên quan đến phân công, phân cấp, ủy quyền cho phù hợp.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Đồng tình với ý kiến của Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương là rất quan trọng để Ủy ban nhân dân các cấp thấy rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình để chủ động trong thực thi nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Quy định như dự thảo luật chưa rõ những trường hợp nào là cần thiết để cấp trên chỉ đạo giải quyết những công việc của cấp dưới, dẫn đến sẽ không chủ động trong giải quyết công việc của cả cấp trên và cấp dưới. Hơn nữa khi phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn để cho các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các xã, phường, đặc khu phải chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đại biểu nhấn mạnh: “Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ chỉ đạo hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc thực hiện, không nên giải quyết những việc thuộc nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân xã. Hơn nữa, sau sáp nhập xã không tổ chức cấp huyện, số đầu mối thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ nhiều lên, nếu quy định như vậy sẽ khó khăn cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong trường hợp phải giải quyết các công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã.”

Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Nhấn mạnh vai trò của cấp tỉnh, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, chính quyền địa phương cấp tỉnh cần phải hỗ trợ hỗ trợ chính quyền địa phương cấp xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ được chuyển giao từ cấp huyện xuống. Đại biểu Trần Thị Thanh Hương nêu rõ: “Thực tế cho thấy, trong bối cảnh không tổ chức các huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho cấp xã đảm nhận, cộng với việc sắp xếp, mở rộng quy mô đơn vị hành chính cấp xã khiến cho khối lượng công việc của chính quyền địa phương cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều. Đây là một sự thay đổi lớn trong việc năng lực tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự đồng đều, cần có thời gian. Do đó, cần chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ, xử lý trong trường hợp chính quyền ở một số hoặc một số đơn vị hành chính cấp xã không đủ khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.”

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang
Cho ý kiến cụ thể về điểm g khoản 2 điều 11 dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) về Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương, Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu: “trên thực tế có 2 xã giáp nhau, thuộc địa giới của 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh, có những vấn đề liên quan đến nhau như khói bụi bay từ xã này sang xã kia, kè sông xã này gây sạt lở bờ sông xã kia, nếu những vụ việc như thế phải đưa lên các cơ quan trên trung ương giải quyết theo quy định của dự thảo luật, sẽ rất phức tạp, tốn kém về thời gian, phải huy động nhiều cơ quan tổ chức tham gia, trong khi những việc này thì chính quyền hai xã, hai tỉnh có thể giải quyết được”. Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị biện pháp giải quyết đơn giản hơn với trường hợp này theo phương châm địa phương quyết, địa phương thực hiện, địa phương chịu trách nhiệm, thay vì phải đưa lên Trung Ương giải quyết với những vấn đề phát sinh ở 2 xã trở lên như dự thảo Luật đang qui định.
Để đảm bảo tính thống nhất với các văn bản luật hiện hành, Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề xuất ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong Chương 4 của dự thảo luật để thể hiện rõ nét hơn chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm phân định một cách hợp lý nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã. Đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cũng cần phải làm rõ thêm các cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của Ủy ban nhân dân, đặc biệt là những quyết định liên quan đến ngân sách, đất đai, đầu tư.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Về tăng nguồn lực để đảm bảo hoạt động của bộ máy tổ chức chính quyền địa phương hai cấp
Góp ý vào khoản 3 Điều 29 của dự thảo Luật, liên quan đến cơ cấu, tổ chức hoạt động của Ban HĐND cấp xã, Đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, cho rằng, nội dung này cần được xem xét một cách thấu đáo, đặc biệt trong bối cảnh sắp tới không còn cấp trung gian là cấp huyện, đồng nghĩa với vai trò giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của cấp cơ sở càng trở nên quan trọng, đòi hỏi năng lực và trách nhiệm cao hơn từ HĐND cấp xã, các Ban của HĐND cấp xã. Đại biểu Siu Hương kiến nghị Cơ quan sản thảo và Cơ quan thẩm tra điều chỉnh lại các điểm c, d và đ khoản 3 Điều 29, để đảm bảo sự thích ứng với chủ trương bỏ cấp trung gian là cấp huyện, tăng cường tính tự chủ và chịu trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở theo nguyên tắc địa phương quyết - địa phương làm - địa phương chịu trách nhiệm để phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp.
Cũng cho ý kiến về tăng cường nguồn nhân lực, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cần tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy mô dân số và diện tích. Theo Đại biểu, sau sắp xếp, nhiệm vụ chỉ đạo điều hành rất lớn, nên việc tăng thêm số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cần thiết.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Góp ý vào dự thảo Luật, Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long chỉ rõ, sau khi bỏ cấp huyện, 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện sẽ chuyển giao cho cấp xã; 09 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được phân cấp cho cấp tỉnh. Để đảm bảo nguồn lực để vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề xuất: “Tôi đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ việc đảm bảo phân cấp trung ương cho chính quyền địa phương và các cấp chính quyền địa phương; cũng như quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp thực hiện nhiệm vụ. Song song việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả giám sát giữa các cấp; quy định việc giám sát của người dân các tổ chức và giữa các cấp.”

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long
Bên cạnh đó, Đại biểu cũng đề xuất Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ bằng 2 lần mức trợ cấp theo quy định; hỗ trợ thêm chế độ cho mỗi một năm công tác bằng 3 tháng nhân với 2 lần mức trợ cấp hiện hưởng, thời gian tối đa không quá 60 tháng; bổ sung chế độ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người hoạt động không chuyên trách thôi việc.
Kết thúc phiên thảo luận, thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Bộ trưởng khẳng định, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã kế thừa, bổ sung, phân định thẩm quyền về phân cấp, phân quyền, ủy quyền tối đa, làm cơ sở pháp lý để toàn bộ hệ thống pháp luật chuyên ngành sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Cùng với đó, dự thảo Luật cũng thiết lập đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý để tháo gỡ tất cả khó khăn, rào cản, vướng mắc cho việc chuyển đổi chính quyền địa phương từ ba cấp sang hai cấp, nhưng gắn với việc thực hiện được ngay việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền theo chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương để địa phương thực hiện đúng mục tiêu. Bộ trưởng cũng giải trình cụ thể hơn về một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến nguyên tắc phân định, phân quyền, phân cấp, ủy quyền; về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền địa phương..., đồng thời hứa sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để đảm bảo phát huy hiệu quả tối đa việc phân cấp phân quyền trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp khi luật đi vào đời sống./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94102