Đẩy mạnh đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ Lào

Quảng Trị là tỉnh có đường biên giới chung với 2 tỉnh Salavan và Savannakhet của nước CHDCND Lào. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Giúp bạn tức là tự giúp mình', Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn xác định việc đào tạo cán bộ cho 2 tỉnh Salavan và Savannakhet là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc duy trì, vun đắp, xây dựng, bảo vệ và thắt chặt mối quan hệ láng giềng, hữu nghị đặc biệt lâu dài, hợp tác toàn diện giữa tỉnh Quảng Trị với 2 tỉnh Salavan và Savannakhet nói riêng và hai nước Việt Nam - Lào nói chung.

Trường Chính trị Lê Duẩn tổ chức đón tết cổ truyền cho học viên Lào - Ảnh: H.Đ

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt với các tỉnh của nước bạn Lào có chung biên giới”. Đến nay, nhìn lại chặng đường gần 15 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là chịu tác động của COVID-19, nhưng với quyết tâm chính trị cao, trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước nói chung, giữa tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan nói riêng, công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ Lào đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Từ năm 2008, Trường Chính trị Lê Duẩn bắt đầu phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành mở lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính đầu tiên cho cán bộ 2 tỉnh Salavan và Savannakhet. Tính đến nay, sau gần 15 năm hợp tác đào tạo, Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị đã mở được 11 lớp đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho 2 tỉnh Salavan và Savannakhet với 480 học viên là cán bộ đương chức và dự nguồn của 2 tỉnh.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là giảng dạy phải thông qua phiên dịch, tuy nhiên để hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhà trường đã chọn những giảng viên có kinh nghiệm, thiết kế bài giảng hợp lý, truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ và tăng cường tương tác với học viên để nâng cao chất lượng từng tiết học.

Nhà trường đã rất quan tâm, có những sáng tạo, linh hoạt từ khâu tinh gọn nội dung chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức, chọn phiên dịch viên có trình độ, rút kinh nghiệm qua các năm… Do đó chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng lên.

Phương châm lý luận gắn với thực tiễn được kết hợp chặt chẽ thông qua việc tổ chức cho học viên Lào tham gia tất cả các hoạt động của trường, đi tham quan các di tích lịch sử của tỉnh, nghiên cứu thực tế ở các tỉnh, thành phố trong nước giúp cho học viên bổ sung kiến thức lý luận đã học, đồng thời tạo ra sự hứng thú cho người học trong suốt quá trình đào tạo. Học viên chấp hành tốt ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ nghiêm túc nội quy, quy chế đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và nhà trường; chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống COVID-19; tự giác cao trong học tập và rèn luyện cũng như trong quan hệ ứng xử.

Nhà trường bố trí cho học viên nơi ở tốt nhất, có đủ các trang thiết bị cần thiết. Tất cả chế độ của học viên đều được giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng với quy định hiện hành. Tổ chức khám sức khỏe toàn diện cho học viên từ đầu vào đến đầu ra và chăm sóc y tế kịp thời khi học viên đau ốm.

Bình quân mỗi khóa học tổng kinh phí trên 2 tỉ đồng. Ngoài ra, các ngày nghỉ lễ, Tết được nhà trường tổ chức chu đáo, thân thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ đó, các khóa học đã đạt được những kết quả khả quan trong việc trang bị kiến thức về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước một cách có hệ thống.

Học viên lĩnh hội được những vấn đề cơ bản nhất về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, đối chiếu, so sánh những điểm tương đồng, nhất quán về lý luận và thực tiễn trong mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội giữa hai Đảng và hai Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ Lào cũng gặp những khó khăn nhất định. Do trình độ tiếng Việt của học viên Lào còn hạn chế nên trong quá trình giảng dạy khó chuyển tải hết kiến thức. Văn hóa, phong tục, tập quán, cách sinh hoạt khác với người Việt Nam nên trong quá trình học tập, quản lý nhà trường đạt kết quả chưa như mong muốn…

Trong thời gian tới, để thắt chặt thêm tình hữu nghị đặc biệt, hiếm có giữa Việt Nam - Lào nói chung, Quảng Trị và 2 tỉnh Salavan và Savannakhet nói riêng, công tác đào tạo lý luận chính trị cần được mở rộng, tăng cường. Để nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ Lào trước hết cần phải thực hiện tốt phương châm, tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Trị trong công tác đào tạo học viên Lào. Xem đây là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ của nước bạn, đồng thời, củng cố, vun đắp, phát triển mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước nói chung, giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh Savannakhet và Salavan nói riêng.

Trong quá trình thực hiện cần quán triệt đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân phương châm “giúp bạn là giúp mình”, hết lòng phục vụ, giúp đỡ học viên Lào. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị và giảng dạy tiếng Việt, nâng cao chất lượng, trình độ của phiên dịch viên trong quá trình dịch giảng.

Đổi mới phương pháp giảng dạy, có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong việc truyền đạt kiến thức, chọn phiên dịch viên có trình độ, kiến thức chuyên môn sâu, có trí nhớ tốt, kiên trì, chăm chỉ và ham học hỏi, luôn chuẩn bị trước về nội dung bài giảng mà mình sẽ phiên dịch... Nhà trường cần tăng cường quản lý, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học viên, qua đó, giúp giảng viên đổi mới phương pháp, nội dung bài giảng phù hợp.

Tăng cường nghiên cứu thực tế, đổi mới công tác đánh giá kết quả, xếp loại học tập, rèn luyện đối với học viên. Thông qua chương trình nghiên cứu thực tế kết hợp tham quan, học viên tiếp thu, lĩnh hội được những thành tựu trong phát triển KT - XH, đồng thời hiểu được bản sắc văn hóa và con người Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Do đó, cần tạo mọi điều kiện tốt nhất để tăng cường hơn nữa các chuyến đi nghiên cứu thực tế kết hợp với tham quan cho học viên Lào. Để phục vụ tốt hơn nữa học viên Lào, trong thời gian tới tỉnh Quảng Trị cũng như Trường Chính trị Lê Duẩn cần tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phục vụ tốt hơn điều kiện ăn ở cho học viên Lào.

Là trường chính trị đầu tiên và có quy mô đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ nước bạn Lào lớn nhất trong cả nước, Trường chính trị Lê Duẩn rất tự hào về những thành tích đã đạt được trong gần 15 năm qua và trong thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để góp phần bảo vệ, gìn giữ và không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt - Lào mà bao thế hệ đã dày công vun đắp.

Hải Đăng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=170179&title=day-manh-dao-tao-ly-luan-chinh-tri-cho-can-bo-lao