Dạy con trẻ ứng xử với bạo lực học đường

Chuyện học trò bắt nạt và đánh nhau xảy ra như cơm bữa trước mắt con cái chúng ta. Chỉ có điều, càng ngày sự việc càng không còn đơn giản.

Nếu như trước đây, việc xích mích giữa các bạn được giải quyết bằng lời lẽ (gọi là chửi lộn) hoặc cùng lắm là vả nhau đôi bạt tai thì bây giờ nó trở thành những cuộc ẩu đả rất nghiêm trọng. Điển hình gần đây nhất là vụ việc cô bé Y ở trường Phù Ủng (Hưng Yên), bị các bạn cùng lớp đánh đập nhiều lần với hành vi mang tính dã man, ác ôn mà ai cũng biết.

Hai bên “tham chiến” bị dư luận lên án là việc đã đành. Có một lực lượng tuy không tham gia trực tiếp nhưng các em lại đứng bên ngoài cổ vũ, vỗ tay và thậm chí đem điện thoại ra quay rồi phát tán lên mạng, xem đó như một trò giải trí.

Tình trạng bạo lực học đường ngày càng trở nên trầm trọng hơn

Ngoài thói thờ ơ, vô cảm với nỗi đau của bạn bè mình, một bộ phận các em do sợ hãi mà không dám lên tiếng, thấy bạn mình bị đánh, thay vì can thiệp hoặc báo cho thầy cô, người lớn thì các em làm lơ vì sợ bị trả thù.

Đồng lõa, bao che, thờ ơ với điều ác cũng chính là làm việc ác. Đã ai trong chúng ta nói cho con mình nghe như thế chưa? Đã bao giờ chúng ta dạy con trẻ cách lên tiếng bảo vệ bản thân mình và bảo vệ bạn trước nạn bạo lực học đường hay chưa?

Cho con em mình tham gia các lớp kỹ năng sống cũng là một cách. Trong các bài học, trẻ sẽ được dạy cách lên tiếng, tố cáo, hoặc bằng rất nhiều cách để phản đối lại cái ác bảo vệ chính bản thân mình. Trường hợp em Y, là một trường hợp do quá sợ hãi, không dám đứng ra tự bảo vệ bản thân mình bằng cách tố cáo những hành vi của bạn.

Cháu gái tôi mười hai tuổi, sống ở nước ngoài, có lần bị bố cháu giận quá phang cho một gậy, con bé đã gọi điện thoại cho cảnh sát. Hành động của cháu khiến mọi người trong gia đình và cả người cha của cháu ngỡ ngàng, nhưng sau đó tất cả đều phải nhìn nhận lại hành vi của mình, nhất là cha.

Còn con trai tôi, vào năm lớp 10, có lần cháu đã bị bạn cùng trường đánh rất đau. Lý do vô cùng đơn giản và vô lý là vì khi thấy một học sinh cùng trường dắt bóng không hiệu quả cháu đã bật cười. Vậy mà cháu đã không dám lên tiếng mách bố mẹ hay thầy cô.

Thân thể là bất khả xâm phạm, con trẻ cần ý thức điều này. Bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ bản thân mình đó là bản năng đầu tiên của con người. Không những dạy cho con biết bảo vệ bản thân mình còn phải biết bênh vực, giúp đỡ các bạn bị đánh bằng cách mạnh dạn báo với giám thị, thầy cô hoặc người lớn để họ can thiệp kịp thời. Nếu cảm thấy không an toàn có thể gọi điện về cho cha mẹ hoặc ai đó một cách bí mật.

Trước nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng đáng báo động, hãy dạy con mình biết tự vệ bảo vệ bản thân.

Nếu cô bé Y và rất nhiều học sinh đã từng bị bạn bè đánh đập, bắt nạt dám đứng lên tố cáo, đấu tranh, cùng với sự kết hợp ngăn chặn kịp thời của các thầy cô giáo, hội cha mẹ học sinh, nhà trường và các cơ quan chức năng vào cuộc thì đâu đến nỗi bị đánh đập, bạo hành đến như thế.

Trước nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng đáng báo động, hãy dạy con em biết tự vệ bảo vệ bản thân mình. Hãy dạy con trẻ biết cách lên tiếng tố cáo ngay từ khi các bạn có ý định đánh nhau nếu biết được. Hãy dạy con đừng thờ ơ và vô cảm với nỗi đau của bạn bè. Nếu chúng ta không mạnh dạn, không can đảm, biết đâu một ngày nào đó chính chúng cũng là nạn nhân của thói bạo lực học đường.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/day-con-tre-ung-xu-voi-bao-luc-hoc-duong-162174.html