Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững

Ngày Dân số Thế giới diễn ra vào ngày 11-7 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu. Đây cũng là dịp để nhân loại tự hào về những thành tựu trong lĩnh vực dân số, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng dân số và tuổi thọ của người dân, góp phần phát triển đất nước.

Tại Nghị quyết 21 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ngày 25-10-2017 về công tác dân số trong tình hình mới, Đảng ta xác định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển,… để đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người.

Trong 30 năm thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tốc độ gia tăng dân số Việt Nam đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 cho đến nay tiếp tục duy trì xung quanh mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.

Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số và kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam còn có những khó khăn, thách thức như: Chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng và nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; Tỉ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục...

Các năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đoàn thể các cấp và toàn dân, công tác dân số tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp và toàn dân; trong đó có các nghị quyết để đầu tư cho công tác dân số và phát triển của HĐND tỉnh, các kế hoạch của UBND tỉnh.

Để hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới (11-7-2024) Việt Nam lựa chọn chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững, cần tập trung vào các nội dung như:

Truyền thông cho người dân về lợi ích của việc sinh đủ 2 con; chuyển đổi hành vi về giới và bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; truyền thông nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Lợi ích và tầm quan trọng của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho nam/nữ thanh niên; thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Phổ biến các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội trong việc thực hiện giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ý nghĩa, tầm quan trọng của chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi; các nội dung rèn luyện thân thể, phòng các bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù (vị thành niên, thanh niên, người lao động tại khu công nghiệp…) góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh và nâng cao chất lượng dân số.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới đến năm 2030, Tiền Giang sẽ tập trung thực hiện mục tiêu chung, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Tận dụng hiệu quả “cơ cấu dân số vàng”, thích ứng với già hóa dân số; nâng chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Các chỉ tiêu quan trọng đến năm 2030, bao gồm: Duy trì mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con). Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại. Giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn (so với năm 2019). Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn so với năm 2019.

Tuổi thọ bình quân ≥ 76 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 69 năm. Người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025, 85% năm 2030. Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/1 lần đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025; 100% năm 2030...

 Tiền Giang nỗ lực nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Ảnh: Thành Sang

Tiền Giang nỗ lực nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Ảnh: Thành Sang

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp như thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh về các chương trình, dự án, kế hoạch... theo hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về công tác dân số. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số các cấp.

M.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202407/dau-tu-cho-cong-tac-dan-so-la-dau-tu-cho-phat-trien-ben-vung-1015131/