Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh nguy cơ tự tử ở trẻ
Những năm gần đây, tỷ lệ tử vong do tự tử tăng lên đáng kể, đặc biệt ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi.
Tự sát là hình thức tự tìm đến cái chết vì nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là hoàn cảnh túng quẫn và ảnh hưởng của các bệnh tâm lý, tâm thần.
Cha mẹ cần nhạy cảm trong việc nhận ra dấu hiệu và bảo đảm đặt câu hỏi với con một cách rõ ràng, dễ hiểu cũng như không phán xét. Hãy cho con biết bản thân đang rất lo lắng và muốn giúp đỡ trẻ. Đồng thời, động viên con chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc.
Nguyên nhân trẻ tự tử
Vừa qua, thông tin nữ sinh trường chuyên ở Nghệ An tự tử nghi do bị bạo lực học đường khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Trước đó cũng có những câu chuyện đau lòng tương tự xảy ra khiến công chúng bàng hoàng, xót xa.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho thấy, khoảng một tháng trở lại đây, đơn vị này tiếp nhận tới 5 trường hợp tự tử đang trong độ tuổi vị thành niên.
Những bệnh nhân từ 15 - 19 tuổi vào viện với chẩn đoán ngộ độc thuốc trừ sâu, thuốc ngủ, hóa chất ăn mòn (chất tẩy rửa bồn cầu)... Điển hình là trường hợp bệnh nhân L.P.H. (17 tuổi, trú tại huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) được Trung tâm Y tế huyện Bình Gia chuyển đến với chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt cỏ. Trước đó, do mâu thuẫn với bạn gái, bệnh nhân tự uống thuốc diệt cỏ, được người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu.
Trong quá trình theo dõi, điều trị, bác sĩ cho biết bệnh nhân này có hoàn cảnh sống khá phức tạp, nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến tâm lý. Đặc biệt, bệnh nhân có những biểu hiện buồn, lo âu, u uất, dễ cáu giận, không thích nói chuyện… Đây là dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhưng do không được chẩn đoán và điều trị sớm nên đã dẫn đến hành vi tự tử ở người bệnh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần - Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, khi người bệnh tự tử, có 2 trường hợp để xác định nguyên nhân. Thứ nhất là do bệnh nhân trầm cảm, thứ hai là do bị tâm thần có ảo giác.
Tự tử chính là một trong những biểu hiện nặng của bệnh trầm cảm. Trẻ vị thành niên bị trầm cảm ở thể nhẹ thường cảm thấy “không vui” hoặc “buồn”. Trong khi đó, ở thể nặng, trẻ muốn làm tổn thương mình hoặc thậm chí là có ý định tự tử. Do đó, theo các chuyên gia, việc trẻ vị thành niên bị trầm cảm được phát hiện và điều trị sớm, kịp thời là cần thiết và rất quan trọng đối với sức khỏe về thể chất, tinh thần, cũng như sự phát triển toàn diện.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự sát nhưng đa phần đều có liên quan đến vấn đề tâm lý. Theo các thống kê, khoảng 26,3% trẻ vị thành niên bị trầm cảm và có đến 6,3% trường hợp suy nghĩ đến cái chết. Trong đó, 5,8% trẻ cố gắng thực hiện những hành vi tự sát và 4,6% lên kế hoạch tự tử.
Ngoài ra, tự sát ở trẻ còn bắt nguồn từ một số vấn đề tâm lý khác như rối loạn lo âu, các rối loạn liên quan đến stress, rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt, hoang tưởng… Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi mắc các chứng bệnh này chưa được thống kê cụ thể.
Tình huống gây nguy cơ tự tử
Theo chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi - Đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), những suy nghĩ tiêu cực chắc hẳn là chuyện thường tình của người lớn. Song, khi xuất hiện ở trẻ em, đặc biệt là dưới những ý nghĩ liên quan đến tự tử, thì đó là tình huống mà các phụ huynh không bao giờ mong đợi.
Cha mẹ thường đứng trước tình thế bối rối: “Chuyện gì đã xảy ra với đứa con còn “non dại” của mình?”… Một số phụ huynh khác có thể thảng thốt trước hành động của trẻ cho đến khi biết được ý tưởng tự tử đã xuất hiện trong con từ rất lâu. Họ chợt nhận ra: “Từ lúc nào giữa cha mẹ và con trở nên có khoảng cách đến thế?”.
“Một trong những lý do khiến phụ huynh có cảm xúc lo lắng và lúng túng trên xuất phát từ niềm tin cho rằng, con mình chưa đạt đến mức phát triển khái niệm về tự tử. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, trẻ em từ 6 tuổi đã bắt đầu có ý thức về cái chết. Từ 8 - 9 tuổi, trẻ đã có những hiểu biết về cái chết cũng như tự tử”, chuyên gia Cẩm Nghi dẫn chứng.
Ngoài ra, nhiều trẻ còn có khả năng lên kế hoạch, tìm cách và thậm chí đã qua đời vì tự tử. Đặc biệt, đối với độ tuổi vị thành niên, nguy cơ tự tử lần hai cao gấp 6 lần. Thống kê cho thấy, mỗi năm có khoảng 12.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14 được đưa vào các đơn vị bệnh viện tâm thần vì hành vi tự tử.
Theo nữ chuyên gia này, trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc sống, mỗi chúng ta đều đối diện với những xung đột tâm lý xã hội xuất phát từ nhu cầu cá nhân mâu thuẫn với nhu cầu xã hội. Một trong số đó có thể giải quyết được, còn một số thì không.
Đặc biệt, đối với trẻ, kỹ năng giải quyết vấn đề và thích ứng còn giới hạn. Vì thế, ở những tình huống khó khăn nhất định có thể kích hoạt suy nghĩ tiêu cực và bùng nổ về cảm xúc. Điều đó khiến trẻ tìm cách chấm dứt căng thẳng bằng phương án tự tử.
Chuyên gia Cẩm Nghi cho biết, một số tình huống gây nguy cơ làm tăng khả năng tự tử của trẻ. Trong đó, bao gồm: Rối loạn tâm lý/ tâm thần: Trầm cảm, nghiện chất…; Bị bạo hành thể chất/cảm xúc, lạm dụng tình dục. Ngoài ra, trẻ có thể gặp áp lực liên quan đến gia đình, như: Gia đình mâu thuẫn, ly dị, sự thiếu giao tiếp giữa cha mẹ và con, bị phụ huynh mắng, tiền sử tự tử của gia đình.
Trẻ cũng có thể gặp áp lực liên quan đến nhà trường, gồm: Bị điểm kém, trượt môn, bị bắt nạt, trêu chọc. Áp lực trong việc đáp ứng kỳ vọng của xã hội về vai trò và hành vi chuẩn mực cũng có thể ảnh hưởng tới trẻ.
Bên cạnh đó, những mất mát khác dường như quá khó để trẻ có thể vượt qua. Các sự kiện này khơi gợi cảm xúc buồn bã, thất vọng, chán nản, suy nghĩ tiêu cực. Đồng thời, dẫn đến những hành vi gây tổn thương đến bản thân, khiến trẻ có thể chọn con đường “tự giải thoát” trong lúc bế tắc.
Dấu hiệu “báo động”
“Tự sát là điều không cha mẹ nào mong muốn ở con mình. Song, đó cũng là dấu hiệu báo động về tình trạng khó khăn của con. Đồng thời là điều kiện để cha mẹ thảo luận cùng con về những điều diễn ra trong cuộc sống. Điều cần thiết đầu tiên là việc đánh giá mức độ mong muốn tự sát của trẻ để có sự hỗ trợ phù hợp. Liệu đó là một ý nghĩ thoáng qua hay là một kế hoạch được chuẩn bị từng bước, thậm chí con từng thử tự sát nhiều lần?”, chuyên gia Cẩm Nghi nêu.
Do đó, để tìm hiểu, cha mẹ cần nhạy cảm trong việc nhận ra dấu hiệu và đảm bảo đặt câu hỏi cho con một cách rõ ràng, dễ hiểu cũng như không phán xét. Phụ huynh hãy cho con biết bản thân đang rất lo lắng và muốn giúp đỡ trẻ. Đồng thời, động viên con chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc.
Theo chuyên gia này, nguồn viện trợ tốt nhất cho trẻ không ai khác ngoài người thân. Hơn bao giờ hết, điều trẻ cần là sự chủ động lắng nghe tâm tư, tình cảm của con từ phía cha mẹ. Điều này góp phần giúp trẻ cảm thấy suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của bản thân được tôn trọng.
Bên cạnh đó, thay vì chỉ trích hay la mắng, phụ huynh có thể đặt câu hỏi để hiểu hơn về con, ví dụ như “Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu con không còn sống?”; “Ngoài tự tử, có cách nào khác để giải quyết vấn đề không?”. Điều con cần hơn bao giờ hết ở thời điểm này là sự đồng hành và chia sẻ của những người xung quanh. Đối với những trẻ gặp rối loạn tâm lý như trầm cảm và tìm đến cái chết, phụ huynh cần đưa con đến các cơ sở trị liệu tâm lý để được hỗ trợ.
“Những mối quan hệ tích cực, hỗ trợ từ gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng bảo vệ trẻ khỏi virus “tự tử”. Sự gắn kết vững chắc giữa cha mẹ và con tạo cảm giác an toàn và là tiền đề giúp trẻ phát triển nhận thức về giá trị bản thân: “Mình không đơn độc”; “Mình xứng đáng nhận được tình yêu thương từ ba mẹ và mọi người xung quanh”…”, chuyên gia cho biết.
Bên cạnh đó, việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với nhà trường, bạn bè góp phần củng cố nguồn lực bên ngoài và sự tự tin bên trong trẻ. Ngoài ra, cha mẹ và thầy cô có thể hỗ trợ trẻ trong việc giáo dục các kỹ năng giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định và thích ứng với môi trường. Từ đó, nhằm phòng ngừa và ứng phó với những tình huống khó khăn. Một chế độ sinh hoạt hợp lý, sự cân bằng giữa thể chất và tinh thần có thể giúp trẻ có những trải nghiệm sống lành mạnh và cái nhìn tích cực với bản thân cũng như người xung quanh.
Theo bác sĩ Đoàn Thu Hồng - Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM, để giúp bảo vệ trẻ, cha mẹ có thể nói về sức khỏe tâm thần và việc tự sát. Nếu trẻ đang buồn, lo lắng, chán nản hoặc tỏ ra khó khăn, hãy hỏi xem con có chuyện gì và đề nghị hỗ trợ.
Lưu ý, nếu trẻ đang nghĩ đến việc tự tử, có thể có những dấu hiệu cảnh báo. Lắng nghe những gì trẻ đang nói và quan sát xem con đang hành động như thế nào. Phụ huynh không nên “nhún vai” trước những lời đe dọa tự tử từ trẻ như một vấn đề đơn giản.
Ngoài ra, hãy khuyến khích trẻ dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Theo dõi và nói về việc sử dụng mạng xã hội. Theo dõi các tài khoản mạng xã hội của trẻ. Mặc dù mạng xã hội có thể mang lại cho thanh thiếu niên sự hỗ trợ quý giá, nhưng nó cũng có thể khiến trẻ bị bắt nạt, lan truyền tin đồn, quan điểm không thực tế về cuộc sống của người khác và áp lực từ bạn bè.
Nếu trẻ bị tổn thương hoặc khó chịu bởi các bài đăng hoặc tin nhắn trên mạng xã hội, hãy khuyến khích con nói chuyện với bạn hoặc một giáo viên đáng tin cậy. Cảm giác được kết nối và hỗ trợ ở trường có thể có tác dụng bảo vệ mạnh mẽ.
Khuyến khích lối sống lành mạnh bằng cách giúp trẻ ăn ngon, tập thể dục và ngủ đều đặn. Đồng thời, hỗ trợ kế hoạch điều trị cho trẻ. Nếu trẻ đang điều trị hành vi tự sát, hãy nhắc con rằng, có thể cần thời gian để cảm thấy tốt hơn. Giúp trẻ làm theo các khuyến nghị đưa ra bởi bác sĩ. Ngoài ra, hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động sẽ giúp trẻ xây dựng lại sự tự tin.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tự sát là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở độ tuổi 15 - 29, chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Thực trạng này cảnh báo thanh thiếu niên và người trẻ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý.