Đất làng Thọ Tân
Thuộc tổng Tam Lộng, huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân trước kia, hiện nay thuộc huyện Triệu Sơn, Thọ Tân là vùng đất bán sơn địa được hình thành với bốn làng cổ: Thanh Yên, Phùng Tác Trung, Hoành Suối và Quan Thành. Tại đây có đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng với những dấu tích, chuyện kể về công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nhà Đinh.
Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 25km về phía Tây, Thọ Tân nằm trên thế đất bán sơn địa - chuyển tiếp giữa đồi núi phía Tây với đồng bằng châu thổ phía Đông của xứ Thanh. Nơi đây có nhánh sông Hoàng (ngày nay đã bị bồi lấp) và sông Nhà Lê (sông Nhơm) chảy qua. Đây được xem là vùng đất có con người đến tụ cư, sinh sống từ khá sớm.
Dù chưa có khẳng định chắc chắn về thời gian lập làng ở Thọ Tân song căn cứ trên những truyền thuyết và dấu tích lưu giữ, người dân địa phương tin rằng, có thể vào thời nhà Đinh - thế kỷ X ở vùng đất Thọ Tân đã có con người đến sinh sống?! Gắn liền với đó là truyền thuyết về vua Đinh Tiên Hoàng ở làng Quan Thành (Thọ Tân). Đến thế kỷ XV, theo lưu truyền dân gian, Bình Định vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn trên đường hành quân qua đây, đêm xuống dựng trại nghỉ ngơi đã được Thành hoàng làng mộng báo chỉ cho hướng đi và cách đánh giặc. “... Cuối thế thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV khu vực này đã hình thành làng tương đối đông đúc. Theo truyền thuyết dân gian cũng như các cứ liệu lịch sử thì làng ven sông Hoàng, có giao thông đường thủy vận chuyển lương thực, vũ khí cho nghĩa quân Lam Sơn” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Thọ Tân).
Cũng theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, trên đất Thọ Tân có 4 làng cổ. Trong đó, làng Thanh Yên còn được biết đến với tên gọi cổ xưa là Trại Năn. Nguyên do, xa xưa ở đây có những cánh đồng rộng lớn, hoang rậm mọc toàn cây năn, cây lác. Sau đó, một số gia đình quê miền ngoài ở làng Kim Thanh, huyện Ý Yên (Nam Định) đã đến đây khai phá, lập làng và đặt tên cho làng là Thanh Yên. “Đời vua Đồng Khánh, Thanh Yên là một làng “nhất xã nhất thôn”.
Cũng như Thanh Yên, làng Hoành Suối buổi ban đầu còn được biết đến với tên gọi Trại Thuổi. Đến đầu thế kỷ XX làng mới có tên là Hoành Suối; làng Yên Trung có tên là Phùng Tác Trung... Trong số những làng cổ ở Thọ Tân, Quan Thành có con người đến tụ cư khá sớm. Họ Lê, họ Trần được biết đến là 2 dòng họ đến Quan Thành sớm nhất, có công lập làng.
Về Quan Thành, tôi tìm gặp cụ ông Lê Thiên Thai - người hiểu biết về lịch sử, văn hóa địa phương, cũng đồng thời là người có hơn 20 năm trông coi tại Di tích lịch sử văn hóa đền - miếu thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Theo chân ông vào di tích, thắp nén tâm hương lên tiền nhân, chúng tôi được nghe những chuyện về vùng đất và con người nơi đây.
Sau khi Ngô Quyền mất, đất nước rơi vào nội chiến - loạn 12 sứ quân, tranh đoạt quyền lợi giữa các phe phái chính trị. Bấy giờ, Đinh Bộ Lĩnh ở đất Hoa Lư nổi lên là một thủ lĩnh có sức mạnh nổi trội. Ông giương cờ, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Theo sách Việt Nam sử lược: “Đến khi nhà Ngô mất rồi, Đinh Bộ Lĩnh hàng được sứ quân Phạm Phòng Ất, phá được Đỗ Động của Đỗ Cảnh Thạc... Từ đó đánh đâu được đấy, cho nên được tôn là Vạn Thắng Vương... Năm 968, Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng đế, tức là Tiên Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư”.
Theo lưu truyền tại địa phương, trên hành trình đi dẹp loạn Ngô Xương Xí ở đất Bình Kiều thuộc Châu Ái (được cho là thuộc Triệu Sơn, Thanh Hóa ngày nay) Đinh Bộ Lĩnh qua đất Quan Thành. Bấy giờ, Quan Thành còn là vùng đất hoang rậm, dân cư thưa thớt. Vì thế, Đinh Bộ Lĩnh đã cho quân dừng chân tại đây dựng trại, luyện binh. Người dân Quan Thành tin rằng, những địa danh xưa cũ như: cồn Bàn Trận, cồn Voi Chết, cồn Bút... là dấu tích của quân Đinh Bộ Lĩnh năm xưa.
Cũng theo lưu truyền dân gian, khi dừng chân tại Quan Thành, Đinh Bộ Lĩnh đã lập đàn cầu thần linh phù trợ giúp đỡ và cho sứ giả đi loan tìm người tài. Từ Quan Thành, theo dòng sông Chu, sứ giả đã lên đến đất Vụng Tậu - nơi có đền thờ Đại Hải Long Vương nổi tiếng trong đời sống tín ngưỡng của người dân đất cổ Lôi Dương. Đại Hải Long Vương - tức Thành hoàng làng Xuân Phả đã có công phù trợ Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Để đến hôm nay, lưu truyền dân gian tin rằng, trò diễn Xuân Phả là do vua Đinh Tiên Hoàng sau khi lên ngôi đã ban cho dân làng Xuân Phả.
Cũng theo cụ Lê Thiên Thai, tưởng nhớ công ơn của vua Đinh Tiên Hoàng, về sau khi làng Quan Thành được lập dựng, người dân đã lập dựng đền (miếu) thờ tưởng nhớ và tôn vua Đinh là Thành hoàng làng. Buổi ban đầu, đền có tên là đền Đáp Bái. Theo lưu truyền dân gian, tại đây Ngô Xương Xí đã đầu hàng quân của Đinh Bộ Lĩnh, vì thế mà đền có tên là Đáp Bái - ngụ ý chỉ việc bái lạy, xin đầu hàng?! Xưa kia ở Quan Thành nói riêng, Thọ Tân nói chung có sự hiện hữu của khá nhiều các công trình kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng. Tuy nhiên vì nhiều nguyên do, đến nay chỉ còn Di tích lịch sử văn hóa đền - miếu thờ vua Đinh Tiên Hoàng là không gian văn hóa - “điểm tựa” tâm linh của người dân địa phương.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở Quan Thành trải qua biến thiên lịch sử và thời gian đã qua nhiều lần di chuyển vị trí. Năm 1996, đền thờ được tôn tạo lại trên thế đất cao ráo, ngoảnh nhìn xuống cánh đồng làng, phía sau là sông Nhà Lê. Tại di tích hiện còn lưu giữ một số sắc phong triều Lê, Nguyễn phong cho Thành hoàng làng Quan Thành.
Trước đây, tại đền vua Đinh hằng năm diễn ra 2 kỳ lễ lớn vào tháng Giêng và tháng Tám (âm lịch) - ngày kỵ (giỗ) vua Đinh Tiên Hoàng. Trong đó, lễ hội đền vua Đinh vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm được tổ chức quy mô hơn cả. Ông Hoàng Văn Tùng, công chức văn hóa xã hội xã Thọ Tân, cho biết: “Lễ hội đền vua Đinh được tổ chức với nhiều nghi lễ cổ xưa như rước kiệu, tế lễ, cùng với đó còn có các trò chơi, trò diễn dân gian. Lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân năm mới là dịp để người dân, du khách dâng hương bày tỏ niềm kính ngưỡng trước tiền nhân và cầu mong những điều tốt lành”.
Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong một số sách, tài liệu lưu giữ tại địa phương.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dat-lang-nbsp-tho-tan-31141.htm