Đặt hàng dự án nghiên cứu khoa học sát với thực tiễn, theo hướng ứng dụng
Chiều 9/7, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiếp tục làm việc, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Duy Bình về tính thiết thực của các đề tài, đề án, dự án khoa học và công nghệ sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa đã đặt nhiều câu hỏi và đề nghị Giám đốc Sở KH&CN làm rõ vì sao số lượng đăng ký nhiệm vụ nhiều nhưng Sở tham mưu, đề xuất trình Hội đồng KH&CN tỉnh lựa chọn các nhiệm vụ còn hạn chế, dẫn đến khi tổ chức thực hiện, còn có nhiệm vụ phải dừng, hoặc gia hạn thời gian, hoặc nghiệm thu không đạt. Nguyên nhân của những hạn chế trong tham mưu đề xuất lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của các các đại biểu, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, giai đoạn 2020-2023, có 531 phiếu đề xuất, tuy nhiên qua rà soát, có nhiều đề xuất chưa bám sát các chiến lược, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và theo quy định không đảm bảo tính mới, tính cấp thiết, tính thời sự, có sự trùng lắp với các nhiệm vụ đã và đang thực hiện hoặc không có đơn vị đặt hàng và cam kết sử dụng kết quả khi nhiệm vụ được thực hiện thành công. Do đó, theo quy định, qua rà soát có 179 nhiệm vụ được phê duyệt.
Giám đốc Sở KH&CN khẳng định, việc tham mưu lựa chọn nhiệm vụ được Sở thực hiện đúng quy định và khách quan. Tổ chức, cá nhân gửi đề xuất qua Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh, khi tiếp nhận về, Sở đã phối hợp với các sở, ngành rà soát tham mưu cho Hội đồng KH&CN tỉnh thông qua phiên 1, Sở tổ chức các Hội đồng thành viên chuyên ngành hoàn thiện đề xuất, tổng hợp kết quả trình Hội đồng KH&CN tỉnh phiên 2. Hội đồng KH&CN thống nhất trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt...
Tuy nhiên, vẫn có nhiệm vụ dừng, phải gia hạn, nghiệm thu không đạt chủ yếu là các nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm trước sang năm 2020. Bên cạnh đó có một vài nhiệm vụ được phê duyệt trong giai đoạn 2020-2023, là do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là đơn vị chủ trì gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh (dịch, giãn cách), không bố trí được mô hình thực nghiệm tại hiện trường, nhân lực và vốn đối ứng để thực hiện nhiệm vụ.
Giám đốc Sở KH&CN cũng nêu các giải pháp khắc phục trong thời gian tới đó là, tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan xây dựng và thông báo định hướng ưu tiên trong việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ sát với thực tiễn, theo hướng ứng dụng, tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn, cấp thiết tại địa phương gửi rộng rãi, công khai cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ theo quy định.
Tiếp tục tham mưu cho Hội đồng KH&CN tỉnh nâng cao chất lượng xét duyệt và triển khai các nhiệm vụ. Đồng thời tổ chức đánh giá năng lực để lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp tỉnh. Nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức các hội đồng tư vấn chuyên ngành, đối với những nhiệm vụ có tính chuyên sâu, tiếp tục chủ động mời Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn chuyên ngành, nhằm nâng cao tính chuyên môn và phù hợp yêu cầu thực tiễn, tính trách nhiệm của sở, ngành trong việc triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng đặt câu hỏi, việc đề xuất, tuyển chọn và giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ còn nhiều bất cập; vẫn còn không ít đề tài, đề án, dự án nghiên cứu sau khi đánh giá, nghiệm thu không áp dụng vào thực tiễn, nếu có áp dụng thì hiệu quả không cao. Nguyên nhân và giải pháp để nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của các đề tài, đề án, dự án KH&CN sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh
Giám đốc Sở KH&CN Trần Duy Bình nêu lên nguyên nhân dẫn đến nhiều đề tài, dự án nghiên cứu chưa đạt hiệu quả cao là do: Bản chất nghiên cứu khoa học là tìm cái mới, có tính thử nghiệm và không chắc chắn, có thể thành công hoặc không thành công. Nếu đã chắc chắn rồi thì không cần nghiên cứu nữa; đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác.
Ngoài ra, Quy định quản lý nhiệm vụ theo Luật, Nghị định, Thông tư còn nhiều bất cập, nhiều điểm chưa rõ ràng, trình tự thủ tục thực hiện nhiệm vụ rườm rà kéo dài qua nhiều khâu, nhiều bậc gây phiền hà, khó khăn và không tạo động lực cho các nhà nghiên cứu.
Bên cạnh đó, đặc điểm trong nghiên cứu khoa học là có tính mới, tính trễ, rủi ro cao; triển khai công nghệ thì chu kỳ, vòng đời ngày càng ngắn, tính thương mại hóa cao trong khi thời gian để thực hiện 1 nhiệm vụ theo quy định hiện nay là từ 3 đến 5 năm mới có kết quả.
Do đó, thời điểm xác định nhiệm vụ để đề xuất đặt hàng nhiệm vụ đang có tính mới, cấp thiết, nhưng khi kết thúc nhiệm vụ thì tính mới và cấp thiết giảm nhiều... Vì vậy, Sở gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện nhiệm vụ, nhất là kiểm tra thực tiễn. Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí cho ngành chưa thực sự tương xứng với chức năng nhiệm vụ được giao.
Để xảy ra tình trạng nêu trên, Giám đốc Sở KH&CN cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm thuộc về Sở với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước về KH&CN, có lúc, có thời điểm chưa làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ để phát hiện và giải quyết kịp thời những nhiệm vụ đang gặp khó khăn vướng mắc hoặc xử lý cho dừng thực hiện đối với những nhiệm vụ không thể hoàn thành, sớm thu hồi kinh phí nộp về ngân sách tỉnh.
Trả lời các câu hỏi về giải pháp nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của các đề tài, đề án, dự án KH&CN sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 và giai đoạn 2025-2030 của các đại biểu HĐND, Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất với Quốc Hội, Chính phủ sửa đổi Luật, Nghị định liên quan đến hoạt động và tham mưu đề xuất Bộ KH&CN và UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý nhiệm vụ để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, triển khai nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu tham mưu định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2025-2030.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan xây dựng và thông báo định hướng ưu tiên trong việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ sát với thực tiễn, theo hướng ứng dụng, tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn, cấp thiết tại địa phương gửi rộng rãi, công khai cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ theo quy định.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện thị, thành phố và các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra đôn đốc, qua đó tháo gỡ khó khăn và uốn nắn kịp thời những khiếm khuyết, hạn chế của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện.
Kiên quyết tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh cho dừng thực hiện nhiệm vụ, khi xét thấy đơn vị chủ trì không còn đủ năng lực, nhiệm vụ không đạt mục tiêu, thời gian kéo dài, không còn thiết thực, hiệu quả, để kịp thời thu hồi ngân sách...