Darien Gap- rừng rậm nguy hiểm và con đường tới vùng đất mới của những người di cư

Khu rừng này nằm ở phía cuối khu vực Trung Mỹ, giữa Colombia và Panama, có chiều dài 66 dặm và không có đường hay lối mòn. Nơi đây được coi là một trong những môi trường nguy hiểm nhất trên thế giới vì địa hình nhiều núi, đầm lầy và rắn độc.

Tuy được coi là nơi nguy hiểm nhất thế giới, nhưng rừng Darien Gap nằm giữa Colombia và Panama - với chiều dài 265 km vẫn là "hành lang chính" cho người di cư đi từ Nam Mỹ đến nước Mỹ bởi đây là con đường ngắn hơn so với đường biển và chi phí cũng thấp hơn đáng kể.

Trên hành trình đi qua Darien Gap, người di cư có thể đối mặt với nhiều nguy cơ từ rắn độc, thú dữ, địa hình hiểm trở, các nhóm cướp dù cho đến nay chưa có con số thống kê chính xác về số người di cư bỏ mạng trong khu rừng này.

Những dòng người di cư băng qua Darien Gap. Ảnh: The Canberra Times

Được hỗ trợ bởi nhiều nhóm tội phạm có tổ chức tại Colombia, hơn 506.000 người di cư, trong đó có tới gần 2/3 là người Venezuela, đã vượt qua rừng rậm Darien vào giữa tháng 12.

Khoảng 21% số người di cư đi qua Darien Gap trong năm 2023 (tính đến thời điểm này) là trẻ em và thanh thiếu niên, trong đó 50% là những em nhỏ dưới 5 tuổi. LHQ ước tính số người di cư tìm cách vượt vùng Darien Gap có thể lên đến 400.000 người vào cuối năm nay, tăng cao so với gần 250.000 người năm 2022.

Bà Dana Graber Ladek, người đứng đầu Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc tại Mexico, cho biết dòng người di cư qua khu vực Darien Gap năm nay là “những con số lịch sử mà chúng tôi chưa từng thấy”.

Tại Washington, các nỗ lực của chính quyền phần lớn hướng tới các biện pháp ngăn chặn người di cư và tìm cách phong tỏa biên giới phía nam Hoa Kỳ. Nước này cũng cho biết đã tăng cường các chuyến bay trục xuất về các nước như Venuezela, Panama hay Mexico.

Nhiều gia đình mang theo con nhỏ trong chuyến hành trình tìm vùng đất mới. Ảnh NBC News

Alexander Mercado, người Venezuela, chỉ mới trở về nước được một tháng sau khi mất việc ở Peru, đã quyết định cùng vợ và đứa con trai sơ sinh lên đường di cư. Người vợ 28 tuổi, Angelis Flores, cho biết mức lương tối thiểu của Venezuela khi đó tương đương khoảng 4 USD/tháng, trong khi một kg thịt bò là khoảng 5 USD. Cô nói: “Hãy tưởng tượng một người có mức lương 4 đô la một tháng sẽ sống sót như thế nào".

Đứng bên ngoài một nơi trú ẩn ở Thành phố Mexico cùng con trai vào một buổi chiều gần đây, Flores kể lại tất cả những quốc gia họ đã đi qua.

Mercado, 27 tuổi và Flores đã lên đường vào tháng 9, trong bối cảnh Mỹ tuyên bố cấp tư cách pháp nhân tạm thời cho hơn 470.000 người Venezuela đã ở trong nước.

Rác thải tràn ngập Darien, càng khiến nguy cơ mắc bệnh dịch tăng cao tại khu vực này.Ảnh: The Telegraph

Mercado và Flores đã đi bộ trên con đường mòn xuyên rừng, cố gắng vượt qua ba ngày. Đặc biệt, Flores và con trai của họ bị bệnh nặng. Cô tin rằng họ đã bị nhiễm bệnh do uống nước bị ô nhiễm trên đường đi.

Đối với Mercado và Flores, cuộc hành trình càng tăng tốc khi họ rời khỏi khu rừng rậm. Vào tháng 10, Panama và Costa Rica đã công bố một thỏa thuận nhằm tăng tốc độ di cư trên khắp đất nước của họ. Panama đưa những người di cư đến một trung tâm ở Costa Rica, nơi họ bị giam giữ cho đến khi mua được vé xe buýt đến Nicaragua.

Tại Honduras, Mercado và Flores đã được chính quyền cấp giấy phép cho phép họ quá cảnh đất nước trong 5 ngày.

Mercado và Flores đã đến được Matamoros, qua biên giới từ Brownsville, Texas, nơi họ bị giam giữ một đêm tại một cơ sở nhập cư ở thành phố biên giới Reynosa và sau đó được đưa trở lại phía nam bằng đường hàng không về Villahermosa vào sáng hôm sau.

Ở đó họ được thả nhưng không có điện thoại di động, giày và tiền. Mercado phải đợi anh trai gửi 100 USD để họ có thể bắt đầu cố gắng quay trở lại Thành phố Mexico thông qua một tuyến đường vòng, yêu cầu họ phải di chuyển bằng xe tải, xe máy và thậm chí cả ngựa.

Vào cuối tháng 11, họ vừa quay trở lại Thành phố Mexico. Lần này Mercado tỏ ra dứt khoát rằng họ sẽ không rời Thành phố Mexico cho đến khi chính phủ Mỹ cho phép họ tị nạn tại một cảng nhập cảnh biên giới.

“Thật khó để có thể quay lại đây lần nữa,” Mercado nói: “Nếu họ có thể gửi tôi trở lại lần nữa, tôi không biết mình sẽ làm gì.”

Đói khát, bệnh tât, cướp bóc và vô số nguy hiểm rình rập người di cư tại Darien Gap. Ảnh: Council on Foreign Relations.

Sau khi phát hiện ra Nicaragua có yêu cầu thị thực lỏng lẻo, người Cuba và người Haiti đổ xô đến Nicaragua trên các chuyến bay có vé khứ hồi mà họ không hề có ý định quay về.

Công dân của các quốc gia châu Phi đã thực hiện một loạt chuyến bay nối chuyến qua Châu Phi, Châu Âu và Mỹ Latinh để đến Managua để bắt đầu di chuyển bằng đường bộ tới Mỹ, nhằm tránh phải đi qua Darien.

Adam Isacson, một nhà phân tích theo dõi tình trạng di cư tại Văn phòng Washington ở Mỹ Latinh, nói rằng Panama, Costa Rica và Honduras cấp tư cách pháp nhân cho người di cư khi họ quá cảnh các quốc gia có nguồn lực hạn chế và bằng cách cho phép người di cư đi qua một cách hợp pháp, các quốc gia này đã góp phần giúp họ ít bị tổn thương trước vấn nạn tống tiền từ chính quyền và những kẻ buôn lậu.

Nhật Linh/ Báo Tin Tức (Theo AP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/darien-gaprung-ram-nguy-hiem-va-con-duong-toi-vung-dat-moi-cua-nhung-nguoi-di-cu-20231218165401699.htm