Đáp ứng nhu cầu người dân

Việc các nhà bán lẻ lớn sáp nhập, chuyển chủ sở hữu, hay tái cơ cấu hoạt động không còn là chuyện mới và cũng là bình thường trên thị trường. Song điều đáng mừng hơn cả là các hệ thống bán lẻ sau sáp nhập, tái cơ cấu, thậm chí mang thương hiệu mới, đều hoạt động hiệu quả, mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn và góp phần thúc đẩy thị trường nội địa phát triển nhanh hơn theo hướng văn minh, hiện đại.

Câu chuyện hệ thống VinMart, một thương hiệu có tiếng và có độ “phủ sóng” rộng mang tên mới WinMart là ví dụ. Theo đại diện thương hiệu này, không chỉ chuyển đổi tên gọi, toàn bộ hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện tại sẽ được nâng cấp về chất lượng dịch vụ và tham vọng lớn hơn là thông qua nhượng quyền thương hiệu WinMart sẽ có 20.000 điểm bán lẻ trên kênh phân phối truyền thống, gấp gần 10 lần số điểm bán hiện có.

Nếu lùi lại một vài năm trước, nhiều thương hiệu bán lẻ lớn, sau khi sáp nhập, chuyển nhượng cũng đều được tái cơ cấu nhằm phục vụ người dân hiệu quả hơn, thúc đẩy thị trường bán lẻ trong nước phát triển nhanh, hiện đại. Năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại vừa bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho thị trường, vừa tung ra các chương trình kích cầu lớn, đưa thị trường trong nước trở thành điểm tựa góp phần giữ đà tăng trưởng kinh tế.

Nếu xét về xu hướng, việc mua bán, sáp nhập hay mở rộng quy mô hệ thống bán lẻ hiện đại là một phương thức đầu tư. Nhà đầu tư thấy được tiềm năng thị trường, giá trị thương hiệu thì sẵn sàng “rót vốn” và tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả đầu tư bằng cách tái cơ cấu kinh doanh.

Định hướng hiện nay của cơ quan chức năng là thu hút đầu tư đa dạng hóa hệ thống bán lẻ. Trong đó, với thành phố lớn như Hà Nội sẽ phát triển đại siêu thị, trung tâm mua sắm tổng hợp, mạng lưới cửa hàng tiện lợi… bên cạnh thương mại truyền thống. Để làm được điều đó, ngoài cơ chế, chính sách, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm là giải pháp quan trọng. Vấn đề đặt ra là biến tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng cao, có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ sáu toàn cầu thành cơ hội cụ thể. Đó là tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi, môi trường kinh doanh thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư. Một bài học kinh nghiệm mà Hà Nội và nhiều địa phương thực hiện là lập danh mục dự án phát triển hệ thống thương mại để mời nhà đầu tư tham gia.

Đối với các nhà bán lẻ, dù trong nước hay nước ngoài, một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công là gắn việc kinh doanh với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; coi ưu tiên đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước là yếu tố cốt lõi. Đây là cách mà nhiều nhà bán lẻ lớn đang thành công trong kinh doanh khi tỷ lệ hàng Việt Nam luôn chiếm từ 80% đến hơn 90%. Ở khía cạnh này, cơ quan quản lý giữ vai trò đồng hành, kết nối nhà bán lẻ với đơn vị sản xuất, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa giữa các địa phương.

Cuối cùng, việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua đa dạng hàng hóa, tăng tiện ích phục vụ người tiêu dùng là vấn đề không thể thiếu. Dù sáp nhập, tái cơ cấu hay mở rộng kinh doanh thì đây vẫn là mục tiêu cần hướng tới nếu muốn kinh doanh lâu dài. Bởi, chất lượng dịch vụ ngày càng cao, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của người dân, phát triển thị trường trong nước... chắc chắn là hướng phát triển bền vững nhất.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/996591/dap-ung-nhu-cau-nguoi-dan