Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển
Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 7 chỉ tiêu về xã hội, trong đó có tỷ lệ lao động (LĐ) qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75% (có bằng cấp, chứng chỉ 35%). Ngoài ra, Đại hội còn xác định Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh là 1 trong 3 chương trình đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Để đạt những mục tiêu này, việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực là một trong những giải pháp then chốt đang được triển khai trong thời gian qua.
Nỗ lực trong suốt nhiệm kỳ
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 75,63% LĐ qua đào tạo và tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 33,70%. Đây là kết quả khá khả quan và khẳng định cho tính hiệu quả của những chính sách đã và đang triển khai trong thời gian qua.
Hơn 1 tháng sau khi bắt đầu năm học mới, các hoạt động đào tạo tại Trường Cao đẳng Long An đã đi vào nề nếp. Năm học này, trường tuyển sinh được 4.238 học sinh, sinh viên (HSSV) hệ trung cấp, cao đẳng, đạt 103,4% so với chỉ tiêu đề ra (4.100 HSSV). Trong đó, trường đặc biệt quan tâm các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế.
Thời gian qua, trường phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đào tạo 148 HSSV nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức; được dự án Aus4skill của Chính phủ Úc hỗ trợ đào tạo nghề Logistics theo chuẩn của Úc,...
Đây là những nghề “hot” của tỉnh vì tính ứng dụng cao, người LĐ qua đào tạo có đủ khả năng vào làm việc ngay tại các doanh nghiệp (DN).
Là SV năm cuối của khoa Cơ điện tử, em Đỗ Anh Khôi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) có cơ hội tiếp cận nhiều nhà tuyển dụng tiềm năng. Khôi chia sẻ: “Bên cạnh được học các kiến thức về cơ khí, điện, điện tử, cách sử dụng máy móc, công cụ hàn, tiện, phay theo tiêu chuẩn Đức, em còn được thực tập ở các DN của nước ngoài có chi nhánh trong và ngoài tỉnh. Qua đó, em biết được tác phong, cách làm việc, văn hóa DN và điều chỉnh các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm cần thiết để ứng tuyển vào các vị trí phù hợp”.
Ngoài Trường Cao đẳng Long An, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết với các trường đại học, cao đẳng ngoài tỉnh, đào tạo đại học, liên thông, đào tạo nghề,... Việc phối hợp các DN đào tạo theo địa chỉ sử dụng được đẩy mạnh. Năm 2024, tỉnh phối hợp 215 DN, tăng 67 DN so năm 2020 để công tác đào tạo nghề ngày càng sát hợp hơn với nhu cầu của thị trường LĐ.
Công tác truyền thông, định hướng phân luồng HS được chú trọng thông qua các tin, bài, video trên báo, đài, đặc biệt là tọa đàm “Chương trình hướng nghiệp - Đại học không phải là con đường duy nhất”. Từ đó, HS có thể lựa chọn hướng đi thích hợp cho bản thân. Từ năm 2021 đến nay, bình quân tuyển sinh trung cấp, cao đẳng trong tỉnh đạt khoảng 3.887 người/năm, tăng hơn 1.000 người so với giai đoạn 2018-2020.
Ngoài ra, với hơn 11.600 HSSV trong tỉnh đang học tập tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học ngoài tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tổ chức phối hợp tư vấn trực tiếp cho các em về định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, chính sách hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài, chính sách vay vốn học tập cũng như vận động SV sau tốt nghiệp về làm việc trên địa bàn tỉnh.
Tăng tốc “về đích” đạt chỉ tiêu
“Bên cạnh những kết quả đã đạt, việc đào tạo nguồn nhân lực cũng gặp không ít khó khăn: Số lượng HS vào học nghề so quy mô đào tạo còn thấp; ngành nghề đào tạo trên địa bàn tỉnh còn ít; đội ngũ giáo viên thiếu, nhất là ở những ngành nghề kỹ thuật công nghệ; chưa có thiết bị để triển khai đào tạo các ngành nghề công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn,...
Ngoài ra, đa số các nhà đầu tư hạn chế cung cấp thông tin, nhu cầu tuyển dụng LĐ nên Sở khó có cơ sở đặt hàng cho các trường nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu” - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Hồng Mai nhận định.
Để khắc phục những khó khăn trên, hướng đến thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, nhiều giải pháp được đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên; chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu tuyển dụng của DN được đặc biệt chú trọng.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Quốc Hùng cho biết: “Trường luôn chú trọng vào việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề. Qua đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của DN và toàn xã hội”.
Bà Nguyễn Hồng Mai khẳng định: “Đổi mới nội dung chương trình đào tạo nhân lực có tay nghề cao tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng thực hành và làm việc theo nhóm. Người LĐ được đào tạo về cả tác phong làm việc chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức. Đối với một số nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy hoạch đào tạo các nghề trọng điểm cần được áp dụng chương trình, tiêu chuẩn, công nghệ đào tạo tiên tiến của khu vực và quốc tế, đúng theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH”.
Không chỉ chú trọng đổi mới đào tạo, việc đầu tư ngân sách, xã hội hóa để trang bị máy móc, thiết bị hiện đại cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cũng được quan tâm. Hàng năm, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh được bố trí vốn mua sắm trang thiết bị phục vụ sàn giao dịch việc làm, kết nối việc làm online cho LĐ với DN và phục vụ công tác thu thập, phân tích dự báo thị trường LĐ như máy tính; máy chủ; hệ thống âm thanh tuyên truyền; trang thiết bị phục vụ công tác kết nối việc làm online, hạ tầng lưu trữ dữ liệu cung - cầu LĐ;...
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh - Trần Quốc Bảo thông tin: “Giai đoạn 2020-2025, Trung tâm được đầu tư hơn 12 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình Quốc gia Giảm nghèo bền vững. Trang thiết bị được đầu tư mới và hiện đại đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn trong bối cảnh thị trường LĐ nhiều biến động”.
Theo ông Trần Quốc Bảo, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh chủ động nghiên cứu mở rộng ngành nghề đào tạo và liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của người học, giúp người LĐ chọn học nghề và tìm kiếm việc làm mới phù hợp. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ LĐ qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ theo Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài tỉnh để đào tạo các ngành nghề mà tỉnh chưa đào tạo được: Nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ bán dẫn,... Hoạt động hợp tác, liên kết với các tổ chức nước ngoài để trao đổi thông tin, kinh nghiệm về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, triển khai mô hình đào tạo nghề chất lượng cao mà tỉnh cần nguồn nhân lực vẫn đang được tăng cường nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao tỷ lệ LĐ qua đào tạo của tỉnh, thực hiện đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra./.
UBND tỉnh tiếp, làm việc với Đoàn công tác Ngân hàng Phát triển Châu Á về Đào tạo nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Long An.