Đạo đức nghệ sĩ: Hồi chuông vẫn gióng!

Đạo đức nghệ sĩ và những câu chuyện liên quan đến lệnh chuẩn của giới showbiz Việt chưa bao giờ hết 'nóng' dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Màn biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. (Ảnh: Bùi Quang Huy)

Màn biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. (Ảnh: Bùi Quang Huy)

Góp ý xây dựng dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 28/3 vừa qua, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thúy nêu ra thực trạng thời gian qua, một số nghệ sĩ ưu tú có những lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực, phản cảm khiến dư luận bức xúc.

Điều này kéo đến sự lệch chuẩn trong nhận thức về văn hóa vì họ là người được công chúng yêu mến, thần tượng nên bà Thúy đề nghị bổ sung quy định thu hồi danh hiệu của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân không còn xứng đáng hoặc vi phạm chuẩn mực đạo đức, tiêu chuẩn xã hội hiện hành.

Ý kiến của bà Thúy cũng chính là hồi chuông cảnh báo đến hiện tượng vi phạm đạo đức và sống lệnh chuẩn của nhiều nghệ sĩ Việt gần đây, khi các chế tài thuộc lĩnh vực này ở nước ta dường như chưa đủ mạnh...

Nghệ sĩ chính là tấm gương

Ban tặng cho những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật danh xưng đẹp đẽ là nghệ sĩ cũng nói lên tầm ảnh hưởng, tác động, chi phối công chúng thông qua lối sống và cách hành xử của họ với cộng đồng. Nhiều khán giả trẻ xem một số nghệ sĩ nổi tiếng như là tấm gương, là thần tượng để noi theo, học theo.

Ý thức rõ điều đó, nghệ sĩ thường phải biết chừng mực từ lối sống, cho đến lời ăn tiếng nói khi phát ngôn, cách ứng xử với chính đồng nghiệp và những người xung quanh, đồng thời phải là người có trách nhiệm cao với xã hội.

Thế nhưng, showbiz Việt lại liên tục gây xôn xao dư luận bởi những lùm xùm đời tư, phát ngôn phản cảm, khoe lối sống xa hoa với những món đồ hiệu, xe sang, cuộc sống giàu sang, check-in ở những nơi sang chảnh. Có những nghệ sĩ vì tiền mà bất chấp, quảng cáo những sản phẩm kém chất lượng, gây nguy hại sức khỏe, thiệt hại tài chính đến người tiêu dùng.

Xã hội đòi hỏi ở nghệ sĩ không chỉ sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có sức cổ vũ, lay động lòng người mà còn đòi hỏi sự chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt hàng ngày. Việc thần tượng sống sa đọa, buông thả, vi phạm pháp luật sẽ đem lại hệ lụy không nhỏ cho một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay.

Vì Việt Nam chưa có “phong sát”?

“Phong sát” là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong giới giải trí Hoa ngữ. Đây là một lệnh cấm dành cho những nhân vật có ảnh hưởng đến công chúng như diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ… không được tham gia các hoạt động nghệ thuật do vướng phải lỗi lầm hoặc các việc làm sai trái, không thể tha thứ được.

Quy định này yêu cầu toàn bộ các phương tiện truyền thông không được phép phát sóng chương trình hoặc phim, ảnh có mặt họ. Vì vậy, các nghệ sĩ bị kiểm soát sẽ bị chặn tất cả các hoạt động nghệ thuật, không thể lên truyền hình, không đóng phim...

Sự nghiệp vì thế bị đóng băng và khó có cơ hội vực dậy. Trước khi đưa ra các biện pháp nhằm “thanh lọc” giới showbiz, cơ quan thẩm quyền phải cân nhắc rất nhiều yếu tố như đạo đức, văn hóa, chính trị, pháp luật… rồi đưa ra kết luận cuối cùng.

Tại Việt Nam, hiện chỉ có lệnh cấm diễn trong thời gian ngắn. Thậm chí, nghệ sĩ nào có lượng người hâm mộ càng đông càng được cổ súy trên mạng xã hội, che lấp đi những sai lầm cũ bằng những câu ngợi ca biết nỗ lực thay đổi. Bởi vậy, những vi phạm chỉ như một thoáng ồn ào, rồi họ vẫn có mặt trong các phim, các show, ngồi ghế giám khảo, lên truyền hình như chưa hề có việc gì xảy ra.

Theo đại biểu Quốc hội, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn (Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), thời gian qua dư luận rất đồng tình và ủng hộ việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đây là động thái kịp thời và cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật. Theo ông, chỉ dừng ở đấy thôi thì chưa đủ. Tuy không nên áp dụng “phong sát” như một cách rập khuôn máy móc, nhưng cũng không thể có phần dễ dãi như hiện nay.

Việc tăng cường các biện pháp, chế tài nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng giới văn nghệ sĩ có những hành động vi phạm pháp luật, trái đạo đức còn có tác dụng cảnh báo trực tiếp, uốn nắn, răn đe. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến trật tự xã hội, sự phát triển lành mạnh của nền văn hóa, nghệ thuật của đất nước.

Tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà nêu ý kiến đề xuất nên quy định dừng chiếu hoặc rút giấy phép với tác phẩm điện ảnh có sự tham gia của các nghệ sĩ không có đạo đức, vi phạm đạo đức, an ninh chính trị.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng cần phải có chế tài như cấm sóng, cấm biểu diễn với nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn. Còn theo PGS.TS. Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, cần nghiên cứu về tính ràng buộc đối với các đối tượng khác nhau, gồm các nghệ sĩ tự do, nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật nhà nước, trong các lực lượng vũ trang…

NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, quan tâm nhiều đến việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật cũng như cơ quan quản lý nhà nước để làm sao tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lệch chuẩn. Bởi, những quy tắc ứng xử của nghệ sĩ hiện tại vẫn được ví là “lạt mềm”, liệu có thể giúp môi trường nghệ thuật lành mạnh hơn?

ĐĂNG MINH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dao-duc-nghe-si-hoi-chuong-van-giong-178877.html