Đạo diễn Đặng Nhật Minh và ký ức những ngày 30/4 không bao giờ quên
Đêm 30/4/1975, ông đặt chân đến đất Sài Gòn để sẵn sàng ghi lại những hình ảnh đầu tiên cho phim tài liệu'Tháng Năm - Những gương mặt.' Đúng 35 năm sau, 'Đừng đốt' ra mắt công chúng Hà Nội...
Khi nhắc đến đạo diễn Đặng Nhật Minh, hầu hết mọi người đều nhắc tới những tác phẩm bất hủ như “Bao giờ cho đến tháng Mười,” “Thị xã trong tầm tay” hay “Thương nhớ đồng quê”... Ít ai biết rằng ông đã bước vào điện ảnh trước tiên bằng bốn bộ phim tài liệu, mà một trong số đó là “Tháng Năm – Những gương mặt,” phim đạt Giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần VI và là giải thưởng đầu đời của vị đạo diễn tài ba.
Những thước phim đầu của trang sử mới
Tháng 4/1975, khi cả nước đang lắng nghe “nhất cử nhất động” từ miền Nam thì tại Xưởng phim truyện Việt Nam (Hà Nội), đội ngũ các nhà làm phim - trong đó có đạo diễn Đặng Nhật Minh, khi ấy mới 37 tuổi - đã nhận lệnh cấp trên để lập tức tiến vào miền Nam, làm nên những bộ phim tài liệu lịch sử.
“Tháng Năm – Những gương mặt” thuộc nhóm những bộ phim tài liệu sớm nhất tại Việt Nam ghi lại chân thực cuộc sống của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh ngày đầu sau giải phóng, trở thành khối tư liệu lịch sử quý giá cho các lớp thế hệ sau này.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhớ lại vào thời điểm tối muộn ngày 30/4/1975, trong số các xe của xưởng phim, xe chở đoàn quay phim của ông đã đến và tiến vào trong Dinh Độc lập đầu tiên. Khi đó, hai cánh cổng đã bị húc đổ từ trưa, trên nóc Dinh có hai lá cờ của Quân Giải phóng – một to, một nhỏ.
Một giờ sáng ngày 1/5 ấy, đạo diễn Đặng Nhật Minh yêu cầu đoàn phim của mình làm việc ngay lập tức, thu lại những hình ảnh đầu tiên cho “Tháng Năm - Những gương mặt.” Những ngày sau đó, sáng nào đoàn của ông cũng cùng nhiều đoàn khác đi quay.
Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Đặng Nhật Minh, bộ phim được quay theo hai chủ đề chính: Sự hân hoan của người dân Sài Gòn sau giải phóng và tàn dư của một xã hội thực dân kiểu mới.
Nói đến sự hân hoan, đó là hình ảnh của các đoàn sinh viên, thanh niên tuần hành trên đường phố, “một biển cờ, biển biểu ngữ, biển nụ cười, biển tình thương.” Ở thái cực trái ngược lại, hình ảnh những người ăn mày trên vỉa hè, đường phố, các ổ gái mại dâm, hút chích, nhiều trẻ nhỏ bơ vơ... trên các vỉa hè chính là hiện thân của một chế độ cũ cần loại bỏ.
“Thôi, vĩnh biệt những đêm dài lo âu thao thức trong ánh đèn mù. Thôi, từ nay giấc ngủ con cái chúng ta sẽ không còn bị khuấy động bởi tiếng bom đạn gầm rú,” đạo diễn Đặng Nhật Minh nói trong phim.
Bộ phim kết thúc một cách tươi sáng, gửi gắm nhiều niềm tin, hy vọng bằng những hình ảnh bầu trời và non nước Việt Nam, cùng với những gương mặt tươi cười của người lính, những nụ cười trong trẻo và hồn nhiên của các thiếu nhi.
Chuyến đi ý nghĩa năm ấy còn khiến đạo diễn bồi hồi trong nỗi nhớ thương về gia đình. Trước khi vào đến Thành phố Hồ Chí Minh, ông được về thăm quê hương Thừa Thiên-Huế lần đầu sau 25 năm xa cách, nhưng lại đi một mình bởi cha, mẹ và một người em gái đều đã qua đời. Ông cũng thao thức trong đêm 1/5 vì thương nhớ cha mẹ, tiếc thay cả hai không còn sống để thấy ngày tự do, hòa bình...
“Đừng đốt” với một góc nhìn mới
35 năm sau, vào ngày 30/4/2009, bộ phim “Đừng đốt” dựa trên hai cuốn nhật ký của bác sỹ-liệt sỹ Đặng Thùy Trâm đã ra mắt khán giả Hà Nội tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Tác phẩm nhận về hàng loạt giải thưởng, những lời tán dương và công nhận từ quốc tế nhờ có góc nhìn đầy nhân văn, nhân bản về con người trong chiến tranh.
Chia sẻ trong cuốn hồi ký điện ảnh của mình, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết: “Ý tưởng làm một bộ phim mà bên địch bên ta đều là những người tốt cả, nhưng lại đứng ở hai bên trận tuyến để bắn giết nhau. Điều đó hoàn toàn khác với những phim về đề tài chiến tranh Việt Nam được làm từ trước tới nay kể cả ở Mỹ lẫn ở Việt Nam. Ý tưởng đó thực sự hấp dẫn tôi vì nó độc đáo và chưa ai làm bao giờ.”
Ngay trong năm 2009, tờ Thể thao&Văn hóa đưa tin “Đừng đốt” vượt qua khoảng 24 bộ phim khác để đạt giải thưởng duy nhất tại Liên hoan phim Fukuoka, Nhật Bản - giải do khán giả bình chọn. Theo phản ánh của phóng viên thường trú, bộ phim đã dành tiếng vang lớn, khán giả chật kín các khán phòng trong mọi buổi công chiếu.
"Nhiều khán giả trong buổi công chiếu tại Hà Nội bấy giờ đều không cầm được nước mắt, từ những người trẻ tuổi đến những người cùng thế hệ với bác sỹ Đặng Thùy Trâm," đạo diễn nhớ lại.
Không chỉ ở Nhật Bản, các buổi chiếu “Đừng đốt” tại New York, các trường đại học phía Đông Bắc của Mỹ hay thủ đô Paris của Pháp… đều đem lại những phản hồi tích cực. Ở trong nước, bộ phim đem về cho chủ nhân của nó loạt giải thưởng Giải Bông sen Vàng của Liên hoan phim Việt Nam năm 2009, Giải Cánh Diều Vàng, các giải dành cho đạo diễn, biên kịch, thiết kế sản xuất, âm thanh của Hội Điện ảnh năm 2010.
Cũng đúng ngày 30/4/2010, tức sau 1 năm, Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Quốc Dũng, thay vì tổ chức tiệc kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam như mọi năm, lại cho chiếu “Đừng đốt” trong một rạp phim lớn ở thủ đô Budapest – một buổi chiếu phim mà ông nhận xét là đã “nâng tầm” bản thân lên rất nhiều trong con mắt của giới ngoại giao Budapest...
Nhiều năm nay, bất kể là ngày thường hay ngày nghỉ lễ, đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn dành phần lớn quỹ thời gian của mình để tiếp chỉnh sửa, trau chuốt những bản thảo truyện hay từng kịch bản phim, chờ cơ hội để lại lên phim trường, tiếp tục đóng vai người nhạc trưởng của một ê-kíp làm phim như ông vẫn luôn từng và sẽ luôn làm rất tốt./.