Đánh giá Royal Enfield Classic 500 tại Việt Nam

Royal Enfield Classic 500 không chỉ là một mẫu xe hoài cổ - nó đem tới cho người lái trải nghiệm của xe cổ thực sự.

Lịch sử của Royal Enfield bắt đầu từ cuối Thế kỷ 19, khi công ty xe đạp Enfield tại Redditch, Anh Quốc được Hoàng gia Anh đặt hàng sản xuất những bộ phận của súng. Dưới thương hiệu Royal Enfield, chiếc xe đạp gắn máy đầu tiên được ra mắt vào năm 1901. Tới thập niên 1930, Royal Enfield đã trở thành một thế lực trên đường đua - những chiếc xe với động cơ xi-lanh đơn 4 van của hãng từng dẫn đầu các giải tranh Cúp du lịch (Tourist Trophy - TT).

Ấn tượng bởi chất lượng của Royal Enfield, quân đội Ấn Độ đã đặt hàng số lượng lớn những chiếc xe 350cc vào năm 1949. Tại thị trường châu Á này, chúng thành công tới nỗi vào năm 1955 Royal Enfield đã ký hợp đồng liên doanh với hãng Madras Motors, mở nhà máy tại ở đây. Kể từ năm 1957, Enfield of India đã chuẩn bị sẵn những máy móc phục vụ sản xuất và tới năm 1962, toàn bộ các linh kiện của một chiếc Royal Enfield đã có thể được sản xuất ở Ấn Độ.

Nhờ có người Ấn, những chiếc Royal Enfield Bullet vẫn tiếp tục “ra lò” hàng chục năm sau khi nền công nghiệp mô tô Anh Quốc sụp đổ. Hiện tại, Bullet chính là dòng xe mô tô lâu đời nhất Thế giới, khi liên tục có mặt trên thị trường từ năm 1948. Tới năm 2006, Royal Enfield tung ra phiên bản Bullet với động cơ 500cc được nâng cấp lớn, và liên tục tung ra những biến thể của chiếc xe này kể từ đó tới nay.

Ra mắt vào năm 2009 với cả 2 phiên bản 350 và 500cc, Royal Enfield Classic được xếp ở phân khúc cao hơn so với dòng Bullet truyền thống. Đúng như tên gọi đã chỉ ra, chiếc xe hướng tới những người đang tìm kiếm một mẫu xe với kiểu dáng cổ điển, nhưng không kèm theo những rắc rối mà những chiếc xe cổ đem lại.

Thiết kế:

Nếu chỉ nhìn lướt qua, nhiều người sẽ nhầm tưởng Bullet 500 là một chiếc mô tô được sản xuất từ sau Thế chiến II. Dựa trên chiếc Bullet với lịch sử kéo dài hơn 3/4 Thế kỷ, Classic không chỉ đơn thuần là một mẫu xe hoài cổ - nó là một chiếc xe cổ sản xuất trong thời buổi hiện đại. Chính vì vậy, so với mọi mẫu mô tô khác có mặt trên thị trường hiện nay, Classic 500 (cùng với Bullet 500) sở hữu vẻ đẹp thanh nhã và đạo mạo hơn hẳn.

Không chỉ nổi bật bởi thiết kế tổng thể cổ điển, từng chi tiết của Classic 500 cũng được chau chuốt với tính thẩm mỹ cao. Trong đó, điểm nhấn ấn tượng nhất là khối động cơ xi-lanh đơn góc thẳng đứng, không chỉ sở hữu hình dáng ấn tượng mà còn sở hữu bưởng máy đánh bóng đẹp mắt - thay vì chỉ sơn phủ như những chiếc xe hiện đại. Ngoài bưởng máy, một số chi tiết như nắp quy-lát, moay-ơ, vỏ dưới phuộc trước cũng được hoàn thiện theo cách tương tự.

Phối hợp cùng những bộ phận mạ bóng như niềng, hệ thống xả, vành và vỏ đèn trước… những chi tiết này khiến cho Classic 500 trở nên sang trọng hơn. Đặc biệt, Royal Enfield còn lựa chọn những màu sắc nền nã như kem, xanh dương dậm, xanh bộ đội hay thậm chí là chrome, khiến vẻ đẹp cổ điển của Classic 500 càng trở nên nổi bật. Trên một số phiên bản màu sắc, những đường kẻ hay mảng sơn tương phản cũng được hoàn thiện sắc sảo, làm hài lòng những người khó tính.

Bảng đồng hồ chỉ có duy nhất đồng hồ tốc độ - mọi thông số khác đều hiển thị bằng đèn báo.

Nếu để ý hơn một chút, có thể thấy rõ Classic 500 vẫn còn giữ lại nhiều nét đặc trưng của những chiếc xe cổ. Điều này được thể hiện rõ ở bảng đồng hồ tối giản, hay các hộc hai bên thân xe có khóa và dễ dàng tháo mở. Những hộc này chứa lọc gió và hệ thống cầu chì của Classic 500, giúp người dùng có thể dễ dàng khắc phục sự cố khi đi trên đường - dù độ tin cậy của chiếc xe đã lớn hơn rất nhiều so với các đời Bullet cổ. Royal Enfield cũng chuẩn bị một túi dụng cụ nhỏ trong hộc đồ trái.

Dù đã tin cậy hơn rất nhiều so với những mẫu xe cổ, tuy nhiên Royal Enfield vẫn thiết kế Classic 500 để có thể sửa chữa "nóng" trên đường.

Trên Classic 500, có lẽ điểm trừ lớn nhất của chiếc xe là một số điểm với độ hoàn thiện chưa cao. Cụ thể hơn, nhiều mối hàn trên khung vẫn còn khá “lem nhem”, hay các cùm công tắc nhựa của xe hiện đại không chỉ có thiết kế “lạc tông” mà các điểm nối cũng không đều nhau. Tuy nhiên nhìn chung, những khuyết điểm nhỏ này không quá ảnh hưởng tới tổng thể đẹp mắt của Classic 500.

Các cùm công tắc với thiết kế hiện đại, với khoảng hở lớn giữa những điểm tiếp giáp và nhựa đúc còn ba ria.

Công thái:

Khi mới ngồi lên Classic 500, bạn sẽ thấy chiếc xe có tư thế ngồi có cảm giác khá lạ. Dù có chiều cao tổng thể thấp, nhưng chiếc xe lại có yên cao tới 800mm. Trong khi đó, tay lái của chiếc xe cũng được đặt thấp và đem lại cảm giác quá gần với người. Chưa dừng lại ở đó, các má ốp tì đùi bằng cao su ở hai bên bình xăng được dán lùi về phía sau, khiến bạn lầm tưởng mình đang ngồi quá vươn về phía trước. Tuy nhiên bỏ qua những “điểm gợn” này và cầm lái Classic 500 trên một hành trình dài, bạn sẽ nhận ra tư thế ngồi của chiếc xe khá thoải mái.

Với lưng gần như thẳng đứng và chân vuông góc 90 độ, thậm chí tư thế ngồi trên mẫu mô tô hoài cổ này khá gần với một số dòng maxi scooter. Bộ yên xe to bản được đặt lò xo giảm xóc ở phía dưới cũng giúp người lái đỡ mệt mỏi hơn. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể đèo thêm một người nữa với Classic 500 khi chiếc xe chỉ được trang bị 1 ghế ngồi. Yên sau là tùy chọn thêm, dù Royal Enfield cũng đã thiết kế sẵn gác chân cho người ngồi sau.

Động cơ:

Giống như truyền thống của Royal Enfield, Classic 500 vẫn trung thành với loại động cơ xi-lanh đơn làm mát bằng không khí, với cò đẩy đóng mở xú-páp (OHV) thay vì sử dụng trục cam (OHC) và 5 cấp số. Được cải tiến từ động cơ 350cc cũ của Bullet, cỗ máy này đã được bổ sung thêm một số công nghệ như bugi kép và hệ thống phun xăng điện tử để đem tới hiệu năng cao hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn và đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải ngày càng ngặt nghèo.

Với dung tích thực 499cc và độ dài đường kính trái piston nhỏ hơn so với tay biên (84mm x 90mm), động cơ của Classic 500 thiên về mô-men xoắn để đạt sức kéo lớn và êm ái hơn ở tốc độ cao - tương tự các dòng cruiser. Thông số được Royal Enfield công bố cũng đã cho thấy rõ điều này: chiếc xe chỉ đạt công suất 27,2 mã lực tại tua máy 5.250rpm, nhưng lại có mô-men xoắn lên tới 41,3Nm tại 4.000rpm.

Với động cơ có nguồn gốc từ hàng chục năm trước và giới hạn tua máy thấp, bạn sẽ phải thay đổi hoàn toàn phong cách lái xe với Classic 500. Cỗ máy này có độ rung lớn - tới nỗi bạn sẽ rất khó quan sát phía sau do gương hậu quá rung khi chạy ở tốc độ cao. Nếu như có thói quen kéo lên tua cao rồi chuyển số, người lái sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi vì độ gằn máy và rung của Classic 500 - đặc biệt ở các cấp số lớn.

Chiếc xe có thể vươn tới tốc độ từ 100 tới 120km/h, tuy nhiên do độ rung của động cơ lớn và công suất nhỏ nên chiếc xe tỏ ra khá vất vả để đạt được điều này. Ngồi trên Classic 500, chiếc xe sẽ ép bạn phải trở nên chậm rãi, từ tốn hơn. Để hạn chế độ rung của xe, bạn sẽ phải học cách chuyển số sớm hơn và cố gắng giữ nó hoạt động ở các cấp số cao. Điều này hơi khó để làm quen do chiếc xe không có đồng hồ báo tua.

Tuy nhiên khi đã học được cách làm chủ Classic 500, bạn sẽ cảm thấy mẫu mô tô cổ điển này hoạt động khá nhẹ nhàng ở số 4-5 và tốc độ từ 90km/h trở xuống. Do đã được nâng cấp hệ thống phun nhiên liệu điện tử và có vòng tua máy thấp, Classic 500 cũng có mức tiêu thụ nhiên liệu khá thấp so với một cỗ máy 500cc - chỉ khoảng 3,5 tới 4l xăng ở điều kiện đường hỗn hợp. Cuối cùng, Royal Enfield Classic 500 đem tới âm thanh rất đặc trưng - bạn có thể cảm nhận rõ từng nhịp đập của piston bên trong nòng xi-lanh, cũng như hơi xả ra qua cây pô hình chai kiểu dáng cổ điển.

Cảm giác lái:

Cũng giống như với động cơ, hệ thống phuộc của Royal Enfield Classic 500 sẽ không cho phép người lái “chạy gắt” như những chiếc mô tô hiện đại. Khi vào cua, tay lái của chiếc xe đem tới cảm giác mơ hồ và như thể muốn đánh ngược lại so với chiều góc cua. Được trang bị lốp Avon RoadRider khá cao cấp, tuy nhiên bản lốp trước - sau của chiếc xe khá nhỏ (90/90/19 - 110/80/18). Cùng với khoảng sáng gầm khá lớn và trọng lượng lên tới gần 200kg, chiếc xe không đem tới sự tự tin cho người lái ở các khúc cua gắt liên tục trên đường đèo.

Tuy nhiên trên đường thẳng, giảm xóc của Classic 500 lại làm tốt vai trò dập tắt những rung động từ mặt đường. Hệ thống phuộc trước có dạng ống lồng với đường kính ti phuộc chi 35mm, nhưng sở hữu khoảng hành trình 130mm. Trong khi đó, cặp phuộc sau của xe còn có bình khí và điều chỉnh được 5 cấp độ tải trọng, dù có khoảng hành trình chỉ 80mm. Cùng với lò xo đặt dưới yên, Classic 500 đem tới cảm giác khá thoải mái - nếu bỏ qua sự rung động lớn ở tốc độ cao.

Với trọng lượng ướt theo công bố của nhà sản xuất lên tới 194kg (90% nhiên liệu và dầu máy), hệ thống phanh của Classic 500 khá vất vả để dừng chiếc xe từ tốc độ cao. Không giống những chiếc Royal Enfield cổ, hệ thống phanh trước đã được nâng cấp lên phanh đĩa, dù đường kính đĩa chỉ đạt 280mm và sử dụng heo 2 piston. Trong khi đó, phanh sau vẫn có dạng tang trống với đường kính 153mm.

Cả phanh trước và sau của chiếc xe đều đem tới cảm giác mềm. Mỗi khi phanh gấp, phanh trước sẽ khiến phần đầu xe bị chúi xuống khá nhiều, tuy nhiên cùm phanh đem tới cảm giác điều khiển lực khá chính xác. Trong khi đó, phanh sau dù không có độ nhạy như phía trước nhưng lại khá hiệu quả khi người lái cần chỉnh sửa lại quỹ đạo của chiếc xe trong góc cua.

Kết luận:

Classic 500 là một chiếc xe cổ điển từ hình dáng tới cảm giác lái - và Royal Enfield cũng không cần phải hiện đại hóa nó. Những nhược điểm như sự rung, tay lái không thật… tổng hòa lại và đem tới cảm giác không thể có được trên những chiếc xe hiện đại. Nó không thể giúp bạn thực hiện được những cú ôm cua “cạ gối” hay đạt tốc độ cao, nhưng lại đem tới một cảm giác thú vị khi dạo quanh thành phố trong những ngày đẹp trời, hay thực hiện những chuyến du hành không bị bó buộc về thời gian.

Giống như người anh em Bullet 500, Classic 500 phù hợp nhất với những người có phong cách sống chậm rãi và đang tìm kiếm một chiếc mô tô với kiểu dáng cổ điển. Ngoài ra, Classic 500 cũng là một lựa chọn tốt với những người có độ tuổi từ trung niên trở lên, mới làm quen với mô tô. Với mức giá niêm yết 120 triệu đồng, các biker sẽ khó có thể kiếm được một mẫu xe mới với kiểu dáng tinh tế và cảm giác cổ điển như Royal Enfield Classic 500.

Nguyễn Huy

(Theo Nghe nhìn Việt Nam)

Nguồn Xe Đời Sống: http://xedoisong.vn/thu-xe/danh-gia-royal-enfield-classic-500-tai-viet-nam-25302.html