Đảng dạy ta: Thơ phải trả lời
Thơ ca, hay nói rộng hơn là văn học nghệ thuật (VHNT), không chỉ khơi gợi trong mỗi con người những xúc cảm thẩm mỹ, đánh thức những rung động sâu xa, mà còn có sức mạnh như một loại vũ khí sắc bén phục vụ công tác tư tưởng của Đảng, là công cụ hữu hiệu quảng bá hình ảnh địa phương. Điều này xuất phát từ chính lợi thế tác động đến công chúng của VHNT. Thông qua tác phẩm âm nhạc, trang thơ, những thước phim… thông điệp truyền tải sẽ dễ thấm vào lòng người một cách tự nhiên và nhẹ nhàng, những ấn tượng sẽ còn lại mãi với thời gian.
Để VHNT làm tốt nhiệm vụ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra “Nay ở trong thơ nên có thép. Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Còn nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã gợi mở cho chính mình: “Xưa thơ chỉ hay than mà ít hỏi. Đảng dạy ta: Thơ phải trả lời”.
Nghệ thuật là tiếng nói của cuộc đời
Nói về việc “Thơ phải trả lời”, PGS. TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương cho biết: Thơ nói riêng và VHNT nói chung bao giờ cũng phải hướng về đời sống, quan tâm đến những vấn đề liên quan đến vận mệnh của dân tộc, của nhân dân". "Sự thật chính là chân lý. Lảng tránh sự thật thì văn chương, nghệ thuật không bao giờ có giá trị. Văn chương, nghệ thuật, trước hết là tiếng nói của cuộc đời. Văn học chỉ có giá trị khi nói lên được những vấn đề trung tâm của cuộc sống. Nghệ thuật không viển vông, mà nghệ thuật chính là cuộc đời" - PGS. TS Trần Khánh Thành chia sẻ.
PGS, TS Trần Khánh Thành tham dự hội nghị tập huấn lý luận, phê bình VHNT năm 2024 - Ảnh: Huyền Trang
PGS. TS Trần Khánh Thành phát biểu tại hội nghị tập huấn lý luận, phê bình VHNT năm 2024 - Ảnh: Huyền Trang
Chính vì nói lên tiếng nói của cuộc đời, bám sát thực tiễn cuộc sống nên thời gian qua, lĩnh vực VHNT không có dấu hiệu lạc lõng trong sự đổi mới của đất nước. Trả lời được những câu hỏi từ cuộc đời, đau đáu với vận mệnh dân tộc nên VHNT đã và đang vượt lên khỏi giá trị “chữa lành”, trở thành vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. VHNT đã không dửng dưng trước thời cuộc mà lên tiếng bằng nhiều tác phẩm đả kích thói hư tật xấu, hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ với những thông tin lạc quan, đầy niềm tin yêu cuộc sống.
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới nêu rõ: “VHNT đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội”.
VHNT muốn bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng, phải kết hợp được 2 điều. Một là không xa rời những nguyên lý cơ bản trong đường lối văn nghệ của Đảng, mặt khác, phải bám sát thực tiễn cuộc sống. Chúng ta không thể nói lý thuyết suông mà phải gắn với thực tiễn. Thực tiễn là mảnh đất màu mỡ nuôi sống VHNT, nhưng nếu không có ánh sáng thì cây cối cũng không thể xanh tốt được.
PGS. TS TRẦN KHÁNH THÀNH, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương
Đảng ta khẳng định: “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh cho các thế hệ con người”. Thúc đẩy phát triển VHNT để thông qua đó bồi đắp tâm hồn mỗi người bằng những giá trị nhân văn, lối sống tích cực, tất yếu sẽ tạo ra “kháng thể” để tự miễn nhiễm trước những thông tin xấu, độc.
Quảng bá hình ảnh địa phương từ văn hóa
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhất là từ khi có Nghị quyết số 23-NQ/TW, những tác phẩm VHNT dù là văn chương, âm nhạc hay điện ảnh đều đi cùng nhịp sống của đất nước, hừng hực khí thế của sự phát triển. VHNT từ đó không chỉ thực hiện chức năng giải trí, giáo dục mà còn đóng góp nhiều giá trị, đặc biệt là tạo ra của cải vật chất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khẳng định hiệu quả, sức mạnh của VHNT, tại hội nghị tập huấn lý luận, phê bình VHNT năm 2024 vừa diễn ra tại tỉnh Bình Định, ông Trần Thanh Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên dẫn chứng câu chuyện từ chính địa phương mình, ở lĩnh vực điện ảnh. Đó là, sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ công chiếu năm 2015, từ một địa phương không được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình trải nghiệm, khám phá, du lịch tỉnh Phú Yên đã được “đánh thức”. Không chỉ công chúng biết đến mà các nhà đầu tư ở nhiều nơi cũng nườm nượp về tỉnh Phú Yên tìm hiểu, đầu tư. Chỉ trong thời gian ngắn, Phú Yên đã có tên trên bản đồ du lịch cả nước, được mệnh danh là xứ sở của hoa vàng, cỏ xanh.
“Trước khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra mắt công chúng, lượng khách du lịch đến Phú Yên chỉ tăng trưởng 13%/năm, nhưng từ năm 2016 đến trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, mức tăng trưởng là 23% và đến nay còn cao hơn nữa” - ông Hưng khẳng định.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Phú Yên, nửa đầu năm 2024, Phú Yên đón gần 2 triệu lượt khách, đạt 57,6% kế hoạch, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế hơn 16 ngàn lượt, tăng 85,2%.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên Trần Thanh Hưng nhấn mạnh: Thực tế, VHNT đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cho đất nước nhưng do đặc thù nên không thể đong, đo, đếm được. Từ đó, ông cũng cho rằng, cần xây dựng, công bố bộ chỉ số về VHNT, đo lường sự quan tâm đối với lĩnh vực này.
Thành công của tỉnh Phú Yên trong việc phát huy sức mạnh của VHNT là sự gợi mở đối với nhiều địa phương khác, trong đó có tỉnh Bình Phước. Tại Quyết định số 755/QĐ-UBND ngày 6-5-2024 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 755), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội VHNT tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động liên hệ các hãng phim lớn để đưa bối cảnh thiên nhiên Bình Phước vào các tác phẩm điện ảnh có đầu tư lớn.
Niềm tin từ văn hóa
Đề án 755 được ban hành với nhiều giải pháp nhằm tạo dựng hình ảnh tích cực về Bình Phước trong toàn xã hội và bạn bè quốc tế, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước dễ dàng nhận biết về Bình Phước trên các phương tiện thông tin, diễn đàn, các sự kiện trong tỉnh, khu vực, trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đề án đã khẳng định vai trò quan trọng, giá trị của VHNT nói riêng và văn hóa nói chung trong quảng bá hình ảnh địa phương, thông qua việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sáng tạo ra các sản phẩm phục vụ tuyên truyền như các bài viết, thơ, văn, âm nhạc, hội họa… về chủ đề quê hương, con người Bình Phước.
Núi Bà Rá ở thị xã Phước Long, đã nhiều lần xuất hiện trong các ca khúc về Bình Phước - Ảnh: Viết Bằng
Đầu năm nay, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức tuyển chọn ca khúc tiêu biểu về tỉnh Bình Phước, với chủ đề “Bình Phước - Tình đất, tình người”. Hay mới đây, Hội VHNT tỉnh cũng đã có kế hoạch tổ chức cuộc thi sáng tác VHNT với cùng chủ đề “Bình Phước - Tình đất, tình người”. “Thông qua cuộc thi, chúng tôi kỳ vọng có những ca khúc mang hơi thở cuộc sống đương đại, góp phần cổ vũ, động viên, quảng bá hình ảnh, con người Bình Phước” - ông Phạm Hiến, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Phước cho biết.
Bình Phước để phát triển nhanh, mạnh thì có thể bằng khoa học, công nghệ. Nhưng để phát triển nhanh, mạnh, bền vững và văn minh thì không thể không bằng văn hóa. Tôi rất ấn tượng với Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển văn hóa, con người Bình Phước. Tôi tin, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, sự phát triển một cách bền vững và nhân văn về văn hóa, Bình Phước có đủ điều kiện để “cất cánh” mạnh mẽ, trước hết là trong khu vực Đông Nam Bộ và cả nước tầm nhìn đến năm 2030.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/162229/dang-day-ta-tho-phai-tra-loi