Đẳng cấp của Lê Khanh

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 vừa khép lại tại Huế. Bông sen vàng ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc được trao cho một tài năng trên sân khấu kịch, cũng là một gương mặt ấn tượng trên màn ảnh: Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh. Trở lại với màn bạc, chị đã hóa thân trọn vẹn thành Lý Lệ Hà trong Gái già lắm chiêu V- Những cuộc đời vương giả.

NSND Lê Khanh vào vai Lý Lệ Hà trong phim Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả. Nguồn: VNE

Khán giả phim Gái già lắm chiêu V- Những cuộc đời vương giả hoàn toàn không bất ngờ khi Bông sen vàng gọi tên Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Khanh, bởi diễn xuất vô cùng ấn tượng của chị trong bộ phim được đánh giá là gần như đạt đến độ hoàn mỹ về diễn xuất và bối cảnh.

Được biết đến với hình ảnh thanh lịch, nền nã song trong Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả, “bà hoàng sân khấu” đã hóa thân thành một Lý Lệ Hà sắc sảo, quyền lực và kiêu hãnh của Lý gia. Lý Lệ Hà có cái nhìn sắc lạnh, ánh mắt như xuyên thấu tâm can người khác, kiêu kỳ đến mức không bao giờ bắt tay đàn ông mà chỉ cho phép họ hôn lên mu bàn tay đã đeo găng của mình. Lý Lệ Hà quyền lực và đầy mánh khóe khi điều hành những phiên đấu giá cổ vật (và cả đồ giả cổ) có giá trị hơn cả siêu xe. Và, Lý Lệ Hà khắc khoải suốt 25 năm, chờ đến một ngày người đàn ông mà mình yêu thương gọi mình là vợ.

Vì tình yêu đó, vì giấc mơ phượng hoàng đó, Lý Lệ Hà chấp nhận làm người phụ nữ trong bóng tối của doanh nhân Vĩnh Nghị, dàn dựng để con gái ruột của mình và Vĩnh Nghị trở thành… em nuôi, đặt ra lời nguyền rằng khi nào vườn bạch trà nở hoa màu đỏ thì con gái Lý gia mới kết hôn. Để rồi sau 25 năm, Lý Lệ Hà nhận ra rằng với doanh nhân Vĩnh Nghị, tình yêu chính là thứ dễ từ bỏ nhất, còn quyền lực thì không. Và hóa ra điều quan trọng nhất, quý giá nhất trong cuộc đời Lý Lệ Hà cần bảo vệ không phải là danh tiếng của Lý gia, mà chính là con gái mình; khao khát lớn nhất là được nghe con gọi mình một tiếng “mẹ”.

NSND Lê Khanh tên đầy đủ là Trần Mai Khanh, con gái của NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai. Chị là một tài năng trên sân khấu kịch, có nhiều vai diễn để đời: Lý Chiêu Hoàng trong vở Rừng trúc, Đan Thiềm trong vở Vũ Như Tô, Thúy trong Bến bờ xa lắc, Juliet trong vở Romeo và Juliet... Năm 2001, Lê Khanh được phong tặng danh hiệu NSND. Lúc ấy chị 38 tuổi, là nghệ sĩ trẻ nhất được phong danh hiệu cao quý này.

“Dạo chơi” trên màn ảnh, Lê Khanh để lại ấn tượng qua các vai diễn: nữ tu sĩ Băng Thanh trong Săn bắt cướp, Lan trong Chuyện tình bên dòng sông, Thoa trong Bản tình ca cuối cùng, Hoàng Điệp trong Dòng sông hoa trắng, Thảo trong Người Hà Nội...

Trong bộ phim đậm ngôn ngữ điện ảnh này có những trường đoạn thể hiện đỉnh cao diễn xuất, như cú one-shot (cú máy dài không cắt) hơn 6 phút của NSND Lê Khanh và NSND Hồng Vân, khi Lý Lệ Hà chơi cờ một mình trong đêm khuya, chờ doanh nhân Vĩnh Nghị - người sẽ không bao giờ đạp xe băng rừng đến Bạch Trà viên nữa, và bộc lộ sự yếu đuối, nỗi đau của mình trước em gái Lý Lệ Hồng; hay trường đoạn “đánh ghen” đầy trí tuệ và kịch tính của hai người phụ nữ thượng lưu, khi Tôn Nữ Thục Lan (nghệ sĩ Lê Khánh đóng) - vợ ông Vĩnh Nghị tìm đến Bạch Trà viên trong đêm. Màn đối đáp của hai người đàn bà cùng yêu thương một người đàn ông, và diễn xuất của hai nghệ sĩ, đặc biệt là Lê Khanh, quả là ấn tượng.

Khi Thục Lan hân hoan thông báo: “Anh Nghị trở về với em rồi. Rứa là không còn lý do chi để em giành lại tấm áo cũ (chiếc phượng bào thêu phượng hoàng tam vĩ) đó nữa, chị cứ giữ lấy đi”, Lý Lệ Hà sững sờ, đau buốt nhưng rồi nhanh chóng tỏ ra bình tĩnh. Quay lại đối mặt với tình địch, Lý Lệ Hà nói: “Chúc mừng cô! Cầu mong cô giữ được anh ấy, để anh ấy khỏi phải đêm đêm lại đạp xe băng rừng đi tìm một khu vườn khác”.

Lý Lệ Hà quay đi, trên gương mặt kiêu hãnh chỉ còn lại nỗi đau. Khi đó, nụ cười cũng tắt trên gương mặt Thục Lan. Vợ doanh nhân Vĩnh Nghị ngẫm lại mình và nghẹn giọng: “Cảm ơn chị dạy dỗ. Dù thắng hay thua, dù là vua hay hậu, rốt cuộc thì chị em chúng mình vẫn chỉ là những quân cờ thôi… Em chào chị”. Thục Lan rơi nước mắt quay đi. Lý Lệ Hà đau đớn giữa vườn bạch trà, khóc không thành tiếng.

NSND Lê Khanh từng chia sẻ rằng chị đã “bước qua ranh giới giữa Lê Khanh của cuộc đời và của nhân vật, giữa cái mạnh và cái yếu” để vào vai Lý Lệ Hà - người phụ nữ có nội tâm phức tạp. Hình ảnh, diễn xuất gây ấn tượng mạnh trong phim chính là khi Lý Lệ Hà ngồi trước bàn trang điểm, trân trối nhìn mình trong gương rồi chậm rãi gỡ mi giả, chậm rãi cầm bông tẩy trang miết thật mạnh lên gương mặt mình.

Xóa hết thôi, những lớp trang điểm che phủ gương mặt thật. Gỡ ra thôi, cái mặt nạ đang mang suốt bao nhiêu năm. Rồi cũng với ánh mắt trân trối, Lý Lệ Hà dùng kéo cắt từng nhát, từng nhát lên mái tóc. Ánh mắt đó, nét mặt đó, từng động tác đó của Lý Lệ Hà thật ám ảnh.

NSND Lê Khanh chia sẻ với báo giới: “Tôi ở ngoài cũng chẳng sang và chẳng chảnh, càng không có quyền lực, tôi chỉ có năng lượng mà thôi”, “Nhiều người xem tôi diễn trên sân khấu long lanh, lộng lẫy bao nhiêu thì ngoài đời thường, thậm chí còn không nhận ra tôi. Nhưng một điều chắc chắn là tôi có nguồn năng lượng dồi dào”.

Nếu không có nguồn năng lượng dồi dào, không có tài năng và đam mê, chắc chắn NSND Lê Khanh không có được một sự nghiệp rạng rỡ. Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 là Bông sen vàng thứ hai mà NSND Lê Khanh nhận được. Vào năm 1993, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 tổ chức ở Hải Phòng, Lê Khanh đã nhận Bông sen vàng cho vai Lan trong bộ phim Chuyện tình bên dòng sông. Rất ít nghệ sĩ có được niềm hạnh phúc như “bà hoàng sân khấu”.

Khi lên nhận giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, NSND Lê Khanh tưởng nhớ các cộng sự trong bộ phim Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả đã qua đời trước khi tác phẩm có mặt tại liên hoan phim: “Cảm ơn những người bạn đáng yêu đã giúp tôi hóa thân vào các cảnh phim. Những người bạn ấy không còn nữa, đó là nghệ sĩ Hoàng Dũng, là nghệ sĩ trang điểm Minh Lộc. Họ không còn nữa nhưng chắc giờ này đang chứng kiến chúng ta tưởng nhớ họ”.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/267965/dang-cap-cua-le-khanh.html