Đảng bộ huyện Kim Bôi: Lãnh đạo phát triển vùng sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới
'Cụ thể hóa các nghị quyết của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện Kim Bôi đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, từ đó tập trung lãnh đạo thực hiện và đạt được kết quả đáng ghi nhận' - đồng chí Phó Bí thư TT Huyện ủy Nguyễn Văn Xiêng cho biết.
Huyện Kim Bôi được đánh giá là vùng đất có nhiều cách làm mới, hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Từ nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện ban hành các đề án như: tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020; sản xuất rau an toàn; cải tạo vườn tạp; trồng cỏ vỗ béo đàn bò. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, cấp ủy để tổ chức thực hiện. Theo đó, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất bình quân đạt 4,8%/năm.
Huyện đã từng bước phát triển các cây trồng chính với quy mô lớn, tập trung, gắn với thị trường, phát huy lợi thế của từng địa phương. Trên địa bàn huyện bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa phù hợp điều kiện sinh thái của từng vùng, giá trị sản xuất thu được trên 1 ha canh tác được nâng lên, đạt 155 triệu đồng/ha. 5 năm qua, diện tích cây ăn quả phát triển mạnh, từ 1.237 ha lên 2.275 ha, tăng 1.038 ha, tập trung ở các xã: Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Hùng Sơn, Kim Lập, Mỵ Hòa... Diện tích nhãn gần 370 ha (diện tích kinh doanh trên 200 ha), sản lượng trên 1.840 tấn, tập trung tại các xã: Xuân Thủy, Hùng Sơn. Việc ứng dụng KHKT vào sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn gắn với thị trường được đặc biệt chú trọng. Năm 2015, toàn huyện chưa có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đến năm 2020 đã có gần 200 ha cây ăn quả có múi đạt tiêu chuẩn an toàn và VietGAP; 34 ha nhãn đạt tiêu chuẩn an toàn; 3 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể: "Nhãn Sơn Thủy”, "Cam Mường Động”, "Bưởi Mường Động”; 3,2 ha cây có múi đạt tiêu chuẩn hữu cơ; 20 ha rau đạt tiêu chuẩn an toàn và PGS; 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo thực hiện chương trình hành động phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất trên 1 ha đạt từ 200 triệu đồng trở lên; có 10 xã đạt chuẩn NTM; 4 xã đạt NTM nâng cao; 3 xã đạt NTM kiểu mẫu; bình quân số tiêu chí NTM các xã đạt 17 tiêu chí... Đồng chí Phó Bí thư TT Huyện ủy cho biết thêm: Huyện đang tập trung chỉ đạo các nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu này. Trong đó, tiếp tục rà soát xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp để tổ chức sản xuất gắn với thế mạnh của từng vùng, bảo đảm cơ cấu trồng trọt 73%, chăn nuôi 20%, lâm nghiệp 7%. Hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa từ 3.000 ha trở lên, đạt 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, làm cơ sở cho việc rà soát, hoàn thiện các quy hoạch nông nghiệp, NTM… Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, từ cây màu kém hiệu quả sang trồng cây màu khác, sang cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn; giảm diện tích gieo cấy lúa, ngô từ trên 9.000 ha còn 7.000 ha/năm; giảm diện tích cây sắn từ 300 ha còn 100 ha; tăng diện tích rau màu các loại từ 3.700 ha lên 4.500 ha/năm; tăng diện tích cây ăn quả tập trung lên 2.500 ha. Chú trọng ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, tổ chức liên kết sản xuất gắn kết với thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, phấn đấu có 50% diện tích cây có múi (750 ha), 200 ha rau đậu các loại đạt sản phẩm an toàn, VietGAP, hữu cơ; 2 sản phẩm được xuất khẩu (mía và nhãn); hàng năm có 3 - 5 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; 2 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể (bí xanh Kim Bôi và gà đồi Kim Bôi). Tiếp tục đầu tư hạ tầng sản xuất, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, gắn với phòng chống thiên tai, bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.