Cuộc đua khốc liệt của thời trang Việt: Đổi mới hay rời cuộc chơi?

Sự cạnh tranh khốc liệt và thay đổi nhanh chóng của thị trường thời trang đang tạo áp lực lớn lên các thương hiệu nội địa. Những cái tên đình đám như Lep', Catsa, hay Mieu đã phải nói lời chia tay. Trong bối cảnh đó, sự linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng trở thành yếu tố sống còn, quyết định sự tồn tại của các thương hiệu thời trang Việt.

Loạt thương hiệu nói lời tạm biệt

Giữa tháng 11/2024, Nguyễn Ngọc Trâm - CEO của thương hiệu thời trang Lep’, đã chính thức thông báo quyết định đóng cửa toàn bộ hệ thống vào ngày 30/11/2024, kết thúc hành trình 8 năm phát triển đầy thăng trầm của thương hiệu “made in Việt Nam” này.

Lep’ từng là cái tên nổi bật trong ngành thời trang, với 17 chi nhánh trên cả ba miền và một cộng đồng khách hàng trung thành. Tuy nhiên, giống như nhiều thương hiệu khác, sự cạnh tranh khốc liệt cùng với sự thay đổi nhanh chóng của thị hiếu người tiêu dùng đã tạo ra sức ép quá lớn đối với Lep’.

Chia sẻ của CEO thương hiệu thời trang Lep’

Chia sẻ của CEO thương hiệu thời trang Lep’

Trên mạng xã hội, Nguyễn Ngọc Trâm thừa nhận rằng, cô cảm thấy kiệt sức và không thể tiếp tục theo kịp sự phát triển chóng mặt của thị trường thời trang. Thêm vào đó, việc điều hành một công ty lớn với hàng trăm nhân viên trong suốt nhiều năm đã khiến cô mất dần năng lượng và đam mê ban đầu.

Điều này phản ánh một thực tế mà rất nhiều thương hiệu thời trang trong nước đang phải đối mặt, đó là sự bão hòa của thị trường, sự thay đổi liên tục về nhu cầu khách hàng, cùng với sự gia tăng các đối thủ trong và ngoài nước. Sức ép từ việc duy trì sự đổi mới trong sản phẩm, cạnh tranh về giá cả và chất lượng đã khiến không ít thương hiệu phải ngừng hoạt động.

Cũng trong tháng 8/2024, Catsa và Mieu đã quyết định đóng cửa sau hơn một thập kỷ gây dựng thương hiệu, để lại khoảng trống lớn trong lòng những người yêu thích sản phẩm của họ.

Thương hiệu thời trang quen thuộc với nhiều khách hàng Việt cũng quyết định đóng cửa

Thương hiệu thời trang quen thuộc với nhiều khách hàng Việt cũng quyết định đóng cửa

Thay đổi để tồn tại

Trong khi nhiều thương hiệu thời trang khác phải tuyên bố “dừng cuộc chơi”, một câu chuyện thành công khác trong ngành là thương hiệu Gumac.

Năm 2023, Anh Lê Thành Vân, người sáng lập Gumac đã phải đối mặt với giai đoạn vô cùng khó khăn khi doanh thu của thương hiệu giảm sút. Thế nhưng, thay vì từ bỏ, anh đã tìm cách để thay đổi, cải tiến sản phẩm và tìm ra giải pháp giúp thương hiệu sống sót và phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo chia sẻ, người sáng lập thương hiệu này đã trực tiếp tham gia vào việc duyệt mẫu sản phẩm, cùng với đội ngũ thiết kế khảo sát nhu cầu thực tế của khách hàng, để hiểu rõ hơn về sở thích, thị hiếu và nhu cầu mới của họ. “Đây là lần đầu tiên mình tham gia vào khâu duyệt thiết kế trong 9 năm”, anh Lê Thành Vân chia sẻ.

 Anh Lê Thành Vân, người sáng lập thương hiệu thời trang Gumac

Anh Lê Thành Vân, người sáng lập thương hiệu thời trang Gumac

Sau vài tháng thay đổi, thương hiệu Gumac đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, đặc biệt là sau khi cải tiến mẫu mã và sản phẩm của mình để đáp ứng xu hướng thời trang hiện đại. Sự đổi mới này đã giúp Gumac lấy lại được thị phần và sự yêu mến của khách hàng. “Có nhiều khách hàng sau 2 năm không mua sắm được gì tại Gumac thì nay đã quay lại và ủng hộ rất nhiều”, người sáng lập Gumac cho hay.

Lep’, Catsa, Mieu và Gumac đều là những cái tên đã để lại dấu ấn trong lòng khách hàng. Tuy nhiên, sự thay đổi không ngừng của thị trường thời trang yêu cầu mỗi thương hiệu phải có khả năng linh hoạt và sáng tạo trong sản phẩm và chiến lược kinh doanh. Những thương hiệu không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc không đủ sức cạnh tranh sẽ dễ dàng bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Ngược lại, những thương hiệu có thể hiểu và thích ứng với xu hướng thị trường sẽ tiếp tục phát triển và đạt được thành công.

Lep’ đã khép lại hành trình 8 năm của mình, nhưng câu chuyện của thương hiệu này, cũng như những thương hiệu khác trong ngành thời trang Việt, sẽ luôn là nguồn cảm hứng và bài học quý giá cho những người làm trong lĩnh vực thời trang. Để tồn tại, để phát triển, các thương hiệu phải không ngừng đổi mới, sáng tạo và đặc biệt là phải luôn gần gũi với khách hàng.

Lệ Giang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/cuoc-dua-khoc-liet-cua-thoi-trang-viet-doi-moi-hay-roi-cuoc-choi-130411.html