Hai bạn trẻ minh họa 'Bảy chuyện kể Gothic'

Hai nữ họa sĩ Việt thực hiện minh họa 'Bảy chuyện kể Gothic', gợi mở, đưa độc giả vào thế giới kì bí của văn chương Gothic.

Khi nhắc tới nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen, chắc hẳn bạn đọc Việt Nam sẽ nghĩ ngay tới Châu Phi nghìn trùng nổi tiếng - cuốn hồi ký của bà về 17 năm sống ở châu Phi - qua bản dịch ngọt ngào của dịch giả Hà Thế Giang. Nhưng có lẽ ít bạn đọc biết rằng chính tác phẩm đầu tay Bảy chuyện kể Gothic xuất bản năm 1934 ở Mỹ đã đưa Isak Dinesen trở thành một trong những nhà văn quan trọng thế kỷ XX.

Bảy chuyện kể Gothic lần đầu được xuất bản ở Mỹ vào tháng 4 năm 1934, và nhanh chóng trở thành một “cú hích”: sách bán được tới 50.000 bản. Văn học Gothic là một thể loại hư cấu kết hợp hai yếu tố kinh dị và lãng mạn, miêu tả sinh động những câu chuyện kỳ bí với sự ghê rợn, kỳ dị và mang màu sắc u ám, nó xuất hiện tại Anh từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

Bởi thế ngay từ khi ra mắt, các nhà xuất bản đều chú trọng tới việc thực hiện minh họa để tạo dựng thế giới tưởng tượng giúp độc giả nắm bắt rõ hơn về cốt truyện.

Minh họa tác phẩm trên những ấn bản 1934 (trái) và ấn bản năm 2013.

Minh họa tác phẩm trên những ấn bản 1934 (trái) và ấn bản năm 2013.

Những ấn bản minh họa trải dài 90 năm Bảy chuyện kể Gothic

Ngay trong ấn bản lần đầu ra mắt tại Mỹ năm 1934, sách đã có tranh minh họa của Henriette Stern (với nghệ danh Majeska) với những bức họa cổ điển đậm phong vị thế kỷ XIX. Và khi ấn bản xuất hiện tại Anh đồng thời trong năm đó, độc giả tại xứ sở sương mù lại được thưởng lãm các bức mnh họa do Rex Whitslter với phong cách đậm nét Gothic với tòa lâu đài u ám đằng xa và chàng hiệp sĩ cô độc trên đường.

Khi nhà Franklin vào quãng thập niên 1970 có thực hiện một bộ tuyển tập sách có tranh minh họa cho các đại văn hào, họ đã đưa Bảy chuyện kể Gothic vào danh mục thực hiện. Bộ tranh minh họa trong ấn bản này do họa sĩ Bernard D’Andrea thực hiện với phong cách sinh động và tông màu nâu trầm điển hình thời đó.

Vào năm 2013, nhà Folio (nhà xuất bản chuyên làm ấn bản sách đẹp) cho ra mắt phiên bản Bảy Chuyện Kể Gothic lộng lẫy với mười tranh minh họa kỳ ảo của Kate Baylay, một họa sĩ vẽ tranh minh họa nổi tiếng đương thời. Và đặc biệt, sách có lời giới thiệu của nữ nhà văn tài danh Margaret Atwood. Bà chia sẻ: “Những niềm vui thú bà [Isak Dinesen] mang đến cho bao độc giả đã vượt qua thời gian. Bảy Chuyện Kể Gothic là dấu ấn mở màn cho sự nghiệp văn chương nổi bật, tác phẩm đưa Dinesen vào danh sách các tác giả quan trọng của thế kỷ hai mươi. Bao bạn đọc và cả người viết văn có thể nhớ mãi về Isak Dinesen như là: ‘Bà ơi, người kể chuyện lão luyện, bà lúc nào cũng đem lại những điều có ích chúng tôi'".

Và ấn bản Bảy chuyện kể Gothic do NXB Phụ Nữ vừa ấn hành cũng gây ấn tượng với bạn đọc nhờ có thêm 12 bức tranh minh họa (kể cả tranh bìa) đầy mai mị, quyến rũ. Các bức tranh góp phần giúp bạn đọc hiểu hơn về Văn học Gothic, vốn là thể loại hư cấu kết hợp hai yếu tố kinh dị và lãng mạn, miêu tả sinh động những câu chuyện kỳ bí với sự ghê rợn, tuyệt vọng, kỳ dị và mang màu sắc u ám.

Hai họa sĩ minh họa cho Bảy chuyện kể Gothic tiếng Việt.

Hai họa sĩ minh họa cho Bảy chuyện kể Gothic tiếng Việt.

Họa sĩ Việt làm mới lại những minh họa đã có

Người thực hiện bộ minh họa này là họa sĩ Hoa Quỳnh và Quách Linh (nghệ danh Kumo và Neko). Hai họa sĩ cho biết trong lúc hoàn thiện dự án, hai chị em cũng gặp phải một số khó khăn về nghiên cứu văn hóa, bối cảnh, trang phục của những thập niên trong thời kì Gothic, vì chúng mang màu sắc ảm đạm, có phần u tối, rất nhiều chi tiết, khác hẳn những dự án tươi sáng mà hai chị em thường nhận. Nó mang một trải nghiệm mới, nhiều sự lo lắng nhưng cũng rất thú vị.

 Một tranh minh họa trong ấn bản tiếng Việt.

Một tranh minh họa trong ấn bản tiếng Việt.

“Ban đầu, cả Quỳnh và Linh đều khá lo lắng khi nhận đề bài là sẽ giải quyết bằng việc làm mới lại những tác phẩm minh họa đã có. Bản chất những tác phẩm đó đã thể hiện được tinh thần của Bảy chuyện kể Gothic rất tốt và đủ đầy mình sẽ gặp áp lực hơn vì cái bóng quá lớn. Với sự nghiên cứu sâu sắc của dịch giả, anh đã hỗ trợ cung cấp thêm tư liệu để hoàn thiện quá trình vẽ cho đúng bối cảnh lịch sử. Điều đó giúp hai chị em nhanh chóng hoàn thiện những bức tranh vẫn giữ nguyên tinh thần của tác phẩm và của họa sĩ minh họa trước, chỉ làm mới ý tưởng, hình ảnh nhân vật, chi tiết, nên đây có thể được hiểu là những bản vẽ được cover lại", họa sĩ Hoa Quỳnh chia sẻ.

Một trong những điều khiến cả hai tràn đầy cảm hứng hơn nữa là nhận được những sự ủng hộ nhiệt tình từ dịch giả. Dù biết có một số chi tiết vẫn chưa được hoàn chỉnh nhưng tinh thần nghệ thuật và tinh thần tác phẩm mới là yếu tố được đặt lên hàng đầu. "Cảm ơn dịch giả đã tin tưởng và giao cho hai chị em có cơ hội được thể hiện một phần đam mê của bản thân", Quỳnh Hoa chia sẻ.

Sau ba tháng làm việc miệt mài, giờ đây chúng ta có ấn bản Bảy chuyện kể Gothic ra mắt bạn đọc Việt với các bức minh họa không thua kém gì các ấn bản từng thực hiện suốt 90 năm kể từ tác phẩm đưa tên tuổi Isak Dinesen nổi tiếng thế giới.

Nguyễn Tuấn Bình

Nguồn Znews: https://znews.vn/hai-ban-tre-minh-hoa-bay-chuyen-ke-gothic-post1474544.html